'Giới trẻ lạc hậu nếu không thể giao tiếp với máy tính'

07:45 02/10/2019

Tại sự kiện 'Chào tân sinh viên 2019', Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam chia sẻ, học lập trình sớm là cách giao tiếp và làm chủ các thiết bị thông minh.

Ngôn ngữ lập trình mở ra khả năng làm chủ thiết bị thông minh

Ngày nay, có khoảng 3 tỷ người đang sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, có chức năng và sức mạnh giống như một chiếc máy tính. Bên cạnh đó là sự phát triển về cấp độ và số lượng các thiết bị thông minh khác như: máy tính, siêu máy tính... đòi hỏi con người cần phải có khả năng giao tiếp với các thiết bị tính toán này.

Hãng tư vấn máy tính Gartner tin rằng, đến năm 2020, số thiết bị được kết nối trên toàn thế giới có thể lên tới 21 tỷ chiếc. Ở bối cảnh này, con người cần phải biết cách giao tiếp, thậm chí làm chủ các thiết bị này thay vì chỉ biết cách sử dụng chúng.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, anh Lê Công Thành, CEO của InfoRe Technology cho rằng, trong thời điểm hiện tại và tương lai, CNTT tích hợp trong tất cả các lĩnh vực của xã hội. Vì vậy, việc tiếp xúc với CNTT, trong đó có lập trình sẽ mở ra khả năng nắm bắt và làm chủ các thiết bị thông minh, thông qua đó, làm chủ cuộc sống hàng ngày.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam cũng đồng ý với quan điểm này khi cho rằng, con người sẽ trở nên lạc hậu, thiệt thòi trong nhiều lĩnh vực nếu không thể giao tiếp với những thiết bị thông minh đó. Khi tất cả mọi thứ đều trở thành thiết bị thông minh, một trong những kỹ năng quan trọng của người trẻ là phải làm chủ được các thiết bị đó. Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam nhận định, học lập trình sớm chính là cách giao tiếp và làm chủ các thiết bị thông minh ngay từ bây giờ thông qua ngôn ngữ của nó.

Học lập trình từ sớm - cơ hội rộng mở cho người đam mê công nghệ

Mỗi năm, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực CNTT, con số này sẽ tăng lên đến hơn 500.000 nhân lực vào tính đến năm 2020. Đó là con số ước tính mà VietnamWorks đưa ra về nhân lực ngành CNTT ở Việt Nam. Sự thiếu hụt trầm trọng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Ngay tại Nhật Bản, báo cáo của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp của nước này cũng cho thấy tình trạng trầm trọng giữa cung - cầu về nguồn nhân lực kỹ sư IT. Theo đó, đến năm 2020, đội ngũ kỹ sư IT của quốc gia này thiếu tới 369.000 người. Con số này tiếp tục tăng lên đến 789.000 người vào năm 2030.

Anh Lê Công Thành, CEO của InfoRe Technology cho rằng, việc học lập trình ở lứa tuổi cấp 1, cấp 2 không phải là sớm nữa.

Nói về công việc phát triển trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam tương lai, anh Lê Công Thành cho rằng, những công việc liên quan tới trí tuệ nhân tạo sẽ chiếm khoảng 80% trong số các công việc lĩnh vực CNTT. Các bạn trẻ ngày nay có khởi đầu thuận lợi khi được tiếp xúc với các thiết bị thông minh từ khi còn rất nhỏ. Vì vậy, ngày nay, việc học lập trình ở lứa tuổi cấp 1, cấp 2 không phải là sớm nữa.

Rõ ràng, cơ hội việc làm rộng mở, nền tảng, xuất phát điểm thuận lợi sẽ là cơ hội lớn cho các bạn trẻ yêu thích và đam mê CNTT cũng như lập trình. Và việc có những chương trình học lập trình cho học sinh ở độ tuổi ngay từ cấp 2 sẽ là sự đồng hành tốt đối với các em.

Nhận thấy lợi ích của việc học lập trình sớm tạo ra cơ hội lớn cho trẻ em Việt Nam, Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã phối hợp cùng Đại học FUNiX xây dựng chương trình Xiso - một chương trình học lập trình trực tuyến dành cho tất cả học sinh trong độ tuổi từ lớp 6 đến lớp 12.

Nói về chương trình này, ông Phạm Giang Linh, Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ, Chương trình Xiso xây dựng được một đội ngũ người dẫn dắt (mentor) kết nối liên tục với người học để đồng hành trong suốt quá trình học. Cùng với đó, khung chương trình thiết kế theo 6 đai, phù hợp với từng lứa tuổi và phương thức học trực tuyến. Sau khi hoàn thành hết 6 đai của chương trình, các học viên sẽ được cam kết đầu ra bởi trên thực tế, nhân lực ngành CNTT hiện nay chưa bao giờ đủ. Bên cạnh đó, chương trình cũng tạo ra nền tảng đối với những học viên mong muốn học cao hơn hoặc tiếp tục nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực CNTT để có những bước tiến trong công việc sau này.

Nguồn: VnExpress

loadding
UP