HOCMAI nhận định chi tiết đề tham khảo THPT Quốc gia - môn Ngữ văn

02:04 04/04/2020

Tổ Ngữ văn – Hệ thống Giáo dục HOCMAI

I.MA TRẬN ĐỀ THI

Dưới đây là bảng phân tích đề thi minh hoạ THPT quốc gia môn Ngữ văn năm 2020 của Bộ GD-ĐT:

PHẦN

CÂU

CẤP ĐỘ NHẬN THỨC

NHẬN BIẾT

THÔNG HIỂU

VẬN DỤNG

VẬN DỤNG CAO

ĐỌC HIỂU

(3,0 điểm)

1

Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.




2


Trong đoạn trích, tác giả cho rằng anh hùng là người có thái độ như thế nào trước khó khăn, nghịch cảnh?



3



Anh/Chị hiểu như thế nào về câu: Anh hùng không phải là mẫu người “hoàn hảo” vì chẳng có ai hoàn hảo?


4




Anh/Chị có đồng tình với quan niệm: Chúng ta đều mắc sai lầm nhưng điều đó không phủ nhận những cống hiến của chúng ta trong đời? Vì sao?

LÀM VĂN

(7,0 điểm)

1



Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường.


2



Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)


II. NHẬN ĐỊNH CHI TIẾT

1.Về mặt cấu trúc

Đề thi minh hoạ THPT quốc gia năm 2020 gồm hai phần:

- Phần Đọc hiểu (3,0 điểm): gồm 1 đoạn ngữ liệu đi kèm 4 câu hỏi nhỏ. Các câu hỏi được sắp xếp tuần tự từ cấp độ nhận biết đến vận dụng. 

- Phần Làm văn (7,0 điểm):

+ Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm)

+ Câu nghị luận văn học (5,0 điểm)

- Thời gian làm bài: 120 phút

2. Về mặt nội dung

- Phần Đọc hiểu

Không có sự thay đổi trong quy tắc sử dụng ngữ liệu và thứ tự cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Phần Đọc hiểu trong đề thi minh hoạ THPT quốc gia năm 2020 sử dụng ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, gồm một đoạn trích dẫn cho trước và 4 câu hỏi. Để trả lời được 4 câu hỏi này, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức về Tiếng Việt, đọc hiểu nội dung và suy ngẫm, đánh giá. Đặc biệt ở câu 3, câu 4 đòi hỏi người làm bài phải hiểu sâu sắc đoạn văn, câu trích dẫn thì bài làm mới hay, hiểu đúng vấn đề mà đoạn văn truyền tải.

+ Câu 1 nằm ở cấp độ nhận biết hỏi về phương thức biểu đạt của đoạn trích. Đây là câu hỏi dễ, lặp lại ở đề thi THPT quốc gia năm 2017.

+ Câu 2 nằm ở cấp độ thông hiểu hỏi về nội dung của ngữ liệu, cụ thể là những thái độ của anh hùng trước những khó khăn, nghịch cảnh theo quan niệm của tác giả. HS không cần phải suy luận, mở rộng hay nâng cao vấn đề mà chỉ cần bám thật sát vào câu lệnh và nội dung ngữ liệu để làm. 

+ Câu 3 có mức độ nhận thức là vận dụng, hỏi về nội dung của ngữ liệu đọc hiểu: “Anh/Chị hiểu như thế nào về câu: Anh hùng không phải là mẫu người “hoàn hảo” vì chẳng có ai hoàn hảo?”. Để làm được câu hỏi này, học sinh phải biết phân tích, đối chiếu và so sánh “mẫu người hoàn hảo” và “chẳng có ai hoàn hảo”. 

+ Câu 4 có mức độ vận dụng. Câu hỏi yêu cầu HS trình bày suy nghĩ cá nhân về một thông điệp được truyền tải từ đoạn trích. Câu hỏi này HS tự do trình bày quan điểm, ý kiến cá nhân. 

- Phần Làm văn: 

+ Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội: Câu này vẫn giữ nguyên tắc ra đề truyền thống, yêu cầu HS viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về một vấn đề được rút ra từ ngữ liệu ở phần Đọc hiểu. Tuy nhiên, vấn đề diễn đạt trong câu lệnh của đề chưa thể hiện rõ nội dung yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận 200 chữ. Bởi theo đề thi và đáp án môn Ngữ văn các năm 2017 và 2018 của Bộ GD và ĐT, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội chỉ yêu cầu HS trình bày suy nghĩ cá nhân về một mặt (khía cạnh) của vấn đề. Còn ở đề thi này, câu hỏi vẫn mang tính khái quát chung, học sinh sẽ gặp khó khăn trong quá trình triển khai hệ thống ý nghị luận. Nội dung của câu hỏi phù hợp với yêu cầu nghị luận cho một bài văn hơn là một đoạn văn.

+ Câu nghị luận văn học: Nội dung câu hỏi nằm ở phần kiến thức chương trình học kì 2 lớp 12, không ra ngoài nội dung tinh giản của Bộ GD & ĐT mức độ phù hợp giống với câu nghị luận học trong đề thi chính thức năm 2019. Nội dung câu nghị luận văn học chỉ yêu cầu học sinh cảm nhận nhân vật Mị trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài. Với cách ra ngữ liệu này, học sinh sẽ băn khoăn khi câu lệnh là “đêm mùa xuân ở Hồng Ngài” chứ không phải là “diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân”. Vì thế, học sinh sẽ khó khăn khi xác định luận điểm và triển khai hệ thống lập luận. Như vậy, để giải quyết câu hỏi này, học sinh nên xác định đây là phần kiểm tra kiến thức về sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân, từ những tác nhân làm thức tỉnh tâm hồn đến toàn bộ diễn biến tâm lí của nhân vật.

3. Nhận định chung

Đề thi minh hoạ THPT quốc gia năm 2020 môn Ngữ Văn vẫn giữ nguyên cấu trúc hai phần là Đọc hiểu và Làm văn với tổng thời gian thi là 120 phút. So với đề thi chính thức năm 2019, đề thi minh hoạ không có sự thay đổi nào về cấu trúc đề thi mà chỉ có sự thay đổi trong việc ra câu hỏi và nội dung của từng câu hỏi. Đề đảm bảo kiến thức cơ bản, và không có kiến thức trong nội dung tinh giản mà Bộ mới công bố ngày 31/3/2020. Đề không khó, vừa sức với học sinh, học sinh trung bình không khó để đạt mức điểm 5 - 6; học sinh khá đạt 7 - 8. Tuy nhiên để đạt mức điểm 9-10 đòi hỏi học sinh phải phát huy được tư duy phản biện, các trình bày vấn đề nghị luận sắc bén, thể hiện quan điểm cá nhân mang tính sáng tạo.

Nguồn: Hệ thống giáo dục HOCMAI

loadding
UP