Ôn thi vào 10 môn Ngữ văn: 3 kỹ năng cần nắm chắc

04:52 07/01/2020

Học sinh cần nắm chắc kỹ năng viết mở bài, kết bài; kỹ năng viết nghị luận và trình bày bài thi để đạt điểm cao kỳ thi vào 10.


Thạc sĩ Đỗ Khánh Phượng - Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã đưa ra những lưu ý cụ thể để học sinh có thể tăng tốc ôn tập trong thời gian còn lại trước kỳ thi chuyển cấp.

Thạc sĩ Đỗ Khánh Phương tư vấn 3 kỹ năng quan trọng để học sinh ôn tập môn Văn vào 10.


Kỹ năng viết mở bài, kết bài

Mở bài hay sẽ tạo thêm cảm hứng cho bài viết, đồng thời tạo ấn tượng tốt cho người chấm. Đây là kỹ năng đầu tiên học sinh cần rèn luyện khi học văn.

Có hai cách viết mở bài là trực tiếp và gián tiếp. Thông thường, cách mở bài trực tiếp sẽ phù hợp hơn với những bạn học lực trung bình - khá. Khi mở bài theo cách này, học sinh sẽ đi thẳng vào vấn đề mà đề bài yêu cầu.

Với những bạn yêu thích văn chương, kỹ năng viết tốt thì có thể chọn mở bài gián tiếp. Cách mở bài này đòi hỏi học sinh phải dẫn dắt từ sự khái quát, giới thiệu sau đó mới đi vào yêu cầu của đề thi.

Tương tự như viết mở bài, học sinh cũng có thể lựa chọn một trong hai cách viết kết bài là kết bài mở rộng và không mở rộng.

Tuy nhiên, dù chọn cách viết nào, học sinh vẫn phải bám sát theo kiểu bài văn. Ngoài ra, các em cần liên kết phần kết bài với thân bài chặt chẽ, không chuyển ý đột ngột mà nên có sự liên hệ, chuyển ý mềm mại để các nội dung logic, mạch lạc.


Kỹ năng viết nghị luận

Nghị luận là dạng bài chiếm trọng số điểm cao nhất trong bài thi Ngữ văn vào 10. Học sinh cần học và rèn luyện kỹ cho từng dạng văn nghị luận như nghị luận văn học, nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý, nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống...

Để làm tốt dạng bài nghị luận, học sinh cần lập dàn ý ra giấy nháp trước khi viết. Sau đó, xác định câu chủ đề của đoạn và triển khai ý. Đặc biệt, học sinh cần lưu ý: nếu bài có khái niệm, học sinh cần giải thích khái niệm để có thể hiểu được nội dung và ý nghĩa mà đề bài đưa đến. Với luận điểm cần đưa luận điểm rõ ràng và nên nêu luận điểm ngay từ đầu đoạn để khi chấm giáo viên không bỏ sót.

Với dẫn chứng, học sinh cần đưa dẫn chứng đầy đủ, chính xác, cô đọc và quy vùng dẫn chứng.

Cuối cùng, khi viết văn nghị luận, thí sinh nên viết câu ngắn, hạn chế câu dài, trừ những trường hợp quy định số câu. Có như vậy, bài viết mới không lan man, câu sai ngữ pháp hoặc câu không truyền tải được hết ý mà thí sinh muốn nói.

Cấu trúc đề thi môn Ngữ Văn vào lớp 10 của Hà Nội. Nguồn: Hocmai.vn

Kỹ năng trình bày bài thi

Các lỗi cơ bản của phần này là trình bày tắt, tẩy xóa, gạch đầu dòng, không rõ đoạn... Học sinh cần trình bày bài viết rõ ràng, khoa học, đánh số thứ tự câu trả lời trong bài thi. Khi làm bài không gạch đầu dòng hay trả lời bằng chuỗi câu văn mà phải diễn giải ý đầy đủ. Đặc biệt, thí sinh không nên tẩy xóa khiến bài thi trở nên nhem nhuốc. Nếu viết sai, các em nên gạch chéo và viết lại.

Về trình bày bài thi, các em nên trừ lề, lùi vào đầu dòng khi bắt đầu đoạn văn mới. Khi chép thơ hay trích câu văn, tên tác phẩm thì dùng dấu ngoặc kép. Nếu viết xong mà học sinh muốn bổ sung nội dung thì ghi xuống bên dưới, viết rõ bổ sung câu nào, phần nào.

Ngoài ra, học sinh cần xác định rõ kiểu đoạn văn muốn viết là diễn dịch, quy nạp hay tổng - phân - hợp để tránh bị thiếu ý hay xếp ý lộn xộn. Khi phân tích, học sinh nên đi từ nghệ thuật đến nội dung, có tổng hợp khái quát, lưu ý đặc trưng của từng thể loại.

Cô Phương nhấn mạnh: "Học văn là một quá trình ôn luyện kỹ càng. Học sinh cần lên kế hoạch ôn tập kiến thức và rèn luyện các kỹ năng ngay từ bây giờ để đạt kết quả cao trong kỳ thi vào lớp 10 sắp tới".

Nguồn VnExpress

loadding
UP