3 lưu ý khi ôn thi vào lớp 10

08:31 31/12/2019

Để giúp học sinh tăng tốc hiệu quả, các giáo viên đưa ra lưu ý như áp dụng lộ trình học tập theo giai đoạn, luyện kỹ năng nhớ...

hời điểm này, nhiều tỉnh thành cũng đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10. Bên cạnh môn thi chính là Toán và Ngữ văn, không ít địa phương tổ chức thi thêm môn Ngoại ngữ, bài thi tổ hợp và môn thi thứ tư.

Học sinh lớp 9 Nghệ An tham gia một buổi tư vấn do HOCMAI tổ chức.

Cô Mai, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 tại Nghệ An chia sẻ, ngay từ đầu năm, học sinh lớp 9 đã được chú trọng học các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Dựa trên kết quả học kỳ một vừa qua, ngay đầu học kỳ hai này, thầy cô sẽ cùng học sinh tăng tốc ôn tập.

Bạn Lê Hà (Nghệ An) cũng cho biết, khó khăn lớn nhất hiện tại là vấn đề bao quát, ghi nhớ được kiến thức, bên cạnh đó là cân đối thời gian, tránh mệt mỏi, lo lắng và áp lực.

Để giúp học sinh tăng tốc hiệu quả, các giáo viên giàu kinh nghiệm đã đưa ra 3 lưu ý dưới đây.

Áp dụng lộ trình học tập phù hợp với các giai đoạn cụ thể

Để tránh học trước quên sau, tránh nhầm lẫn giữa kiến thức các môn, Tiến sĩ Phạm Ngọc Hưng, Giáo viên môn Toán chia sẻ, học sinh cần có lộ trình học tập theo từng giai đoạn và thời gian cụ thể.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Hưng gợi ý lộ trình ôn thi phù hợp.

Học sinh có thể tham khảo lộ trình ba giai đoạn: Trang bị kiến thức cơ bản, ôn luyện từng chuyên đề theo cấu trúc đề thi và luyện đề. Lộ trình có thể điều chỉnh cho phù hợp với từng học sinh, từng năng lực. Các giai đoạn có thể gối đầu nhau.

Ví dụ, thời điểm này học sinh có thể vừa tổng ôn, vừa làm đề để kiểm tra lại các kiến thức đã ôn tập, có kế hoạch bổ sung phần còn thiếu, yếu sớm. Từ tháng 4/2020, học sinh nên tăng tần suất luyện đề để rèn kỹ năng làm bài thi, tránh các sai sót khi làm bài.

Rèn luyện kỹ năng ghi nhớ

Với lượng kiến thức lớn từ các môn học, học sinh có thể sẽ thấy choáng ngợp. Nếu không có phương pháp học tập hợp lý, tình trạng "học trước quên sau" là không thể tránh khỏi.

Để khắc phục tình trạng này, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, chuyên gia về phương pháp học thông minh đưa lời khuyên: "Học sinh cần có kỹ thuật ghi nhớ khoa học như tạo các từ khóa, kiến thức trọng tâm, lưu lại bằng thẻ ghi nhớ, ghi nhớ bằng lược đồ, sơ đồ tư duy...".

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam chia sẻ tới học sinh phương pháp học tập thông minh.

Chia sẻ thêm về cách ghi nhớ kiến thức môn Ngữ văn, cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội nhấn mạnh, học sinh học văn cũng phải tư duy logic, hệ thống ý chính thành sơ đồ. Điều này giúp các em có thể nắm chắc nội dung lại dễ dàng triển khai ý thành đoạn, bài văn nhanh chóng, tránh trường hợp sót ý, lặp ý.

Phụ huynh đồng hành cùng con ở giai đoạn tăng tốc

Với áp lực học tập thi cử năm cuối cấp, cha mẹ không nên phó thác hoàn toàn cho nhà trường. Cô Đỗ Khánh Phượng, với nhiều năm kinh nghiệm ôn luyện cho học sinh cuối cấp, từng nhiều lần tư vấn tháo gỡ vướng mắc cho phụ huynh, học sinh cũng như từng cùng con chinh phục kỳ thi vào 10, chia sẻ về kinh nghiệm để cha mẹ san sẻ cùng con.

Cô Phượng cho biết, nhiều phụ huynh quan tâm con chưa đúng cách hoặc qua loa, nhất là khi con đang ở giai đoạn nhiều áp lực cùng với các thay đổi tâm sinh lý.

"Cha mẹ cần chủ động nắm thông tin học tập của con từ giáo viên, cần biết con có vấn đề gì trong học tập, cùng con tìm hiểu trường cấp 3 mà con muốn hướng tới. Sau đó, cha mẹ cùng con đặt mục tiêu, giải tỏa các lo lắng áp lực. Cha mẹ cũng cần quan tâm tới chế độ dinh dưỡng, thời gian biểu và lịch sinh hoạt của con. Bên cạnh đó, phụ huynh không nên áp đặt hay tạo thêm áp lực cho con, mà nên định hướng và hỗ trợ con", cô Phượng chia sẻ.

Nguồn: VnExpress

loadding
UP