Bí quyết ôn tập đạt điểm cao môn Toán vào lớp 10

04:39 31/12/2019

Học sinh cần ôn tập đầy đủ kiến thức theo cấu trúc đề thi và tránh những lỗi sai khi làm bài.

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Toán là môn thi bắt buộc, có những tỉnh, thành còn nhân hệ số hai với môn Toán. Tiến sĩ Phạm Ngọc Hưng - Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã đưa ra hai yêu cầu bắt buộc để học sinh có thể tối ưu điểm số bài thi môn Toán.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Hưng tư vấn cho học sinh lớp 9 tại Nghệ An

Nắm chắc cấu trúc đề thi

Thầy Hưng cho biết, mỗi tỉnh thành sẽ có đề thi khác nhau, tuy nhiên thường thì đề Toán có cấu trúc gồm 5 câu hỏi, nội dung kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình Toán lớp 9. Bên cạnh đó, đề thi sẽ phân bổ đồng đều các câu hỏi từ dễ đến khó để học sinh có thể đạt được điểm từng câu tùy theo năng lực học tập. Với việc nắm chắc cấu trúc đề thi, học sinh có lợi thế lớn trong việc ôn tập và làm quen với bài thi vào 10.

Cấu trúc đề thi môn Toán vào 10 tại Nghệ An năm 2019. Nguồn: Hocmai.vn

Dựa vào cấu trúc đề thi, học sinh cần lên kế hoạch ôn đầy đủ các chuyên đề kiến thức, các dạng bài thi. Trước hết, học sinh cần chủ động luyện tập ngay với đề thi ba năm gần nhất của tỉnh, thành mình đang sinh sống hoặc của trường muốn dự thi. Bên cạnh đó, các em phải luôn cập nhật thông tin tuyển sinh có liên quan để chủ động trong việc ôn tập. Như vậy học sinh mới có thể ôn đúng, đủ, ôn tập kịp thời theo kế hoạch, lộ trình phù hợp.

Cấu trúc đề thi môn Toán vào 10 của Hà Nội. Nguồn: Hocmai.vn

"Học sinh nên chia việc ôn tập theo ba giai đoạn: trang bị kiến thức cơ bản, ôn tập từng chuyên đề theo cấu trúc đề thi, luyện đề. Như thế các em không những nắm chắc các kiến thức cần ôn mà còn được rèn kỹ năng làm bài", thầy Hưng gợi ý lộ trình ôn tập.

7 lỗi sai cần tránh khi làm bài thi môn Toán

Muốn đạt điểm cao môn Toán, ngoài ôn tập đúng và đầy đủ, học sinh cần luyện tập thường xuyên để tránh các lỗi sai gây mất điểm đáng tiếc. Với kinh nghiệm nhiều năm dạy và chấm thi, thầy Hưng tổng hợp lại 7 sai lầm cơ bản học sinh hay mắc phải:

- Không đọc kỹ đề bài;

- Tính toán sai, biến đổi nhầm;

- Thiếu tập xác định, không đặt điều kiện, không loại nghiệm;

- Nhớ nhầm công thức, định lý;

- Vẽ sai hình, không vẽ hình;

- Không đặt điều kiện khi giải bài toán bằng cách lập phương trình;

- Lỗi trình bày, viết tắt, trình bày quá vắn tắt hoặc dài dòng, lộn xộn

Bên cạnh những lỗi sai này, trong từng dạng bài cụ thể học sinh cũng thường mắc các lỗi sai, như ở dạng bài toán về căn thức là lỗi phân tích nhân tử sai trong bài toán rút gọn, khai căn sai, thiếu điều kiện...

Một lỗi liên quan đến kỹ năng làm bài mà học sinh cũng hay gặp là phân bổ thời gian làm bài chưa hợp lý dẫn đến không đủ thời gian làm bài. Để tránh mất điểm đáng tiếc, học sinh cần luyện tập thường xuyên với các dạng bài, dạng đề theo cấu trúc đề thi. Khi làm đề hoặc luyện tập cần nghiêm túc, tự chấm điểm và tự ghi nhớ, viết ra các lỗi sai đã mắc phải, tránh lặp lại ở bài tiếp theo.

Nguồn: VnExpress

loadding
UP