Học sinh tiểu học, THCS có thể thi lập trình robot

02:30 24/12/2019

Tại Việt Nam, học sinh tiểu học, THCS đã có thể học lập trình, thiết kế robot, tham dự các cuộc thi để tiếp cận sớm với khoa học, công nghệ.

Góp mặt trong hội thảo Khoa học Giáo dục phổ thông Tin học do Hệ thống Giáo dục HOCMAI và FUNiX tổ chức mới đây, thầy Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty sách Long Minh và thầy Hoàng Vân Đông, giảng viên khoa Điện tử - Viễn thông, Đại học Điện lực đã chia sẻ mô hình Giáo dục STEM trường làng với hai môn Tin học và Công nghệ dạy cho học sinh, trong đó, coding (lập trình) là yếu tố mũi nhọn. Mô hình đào tạo chú trọng vào khả năng ứng dụng, thực hành để học sinh có thể tự làm ra sản phẩm số.


Học sinh tiểu học huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định tham gia cuộc thi lập trình robot trong Ngày hội STEM Nam Trực 2018

Hiện tại, mô hình đã đạt được một số thành tựu như: khoảng 500 trường làng (các trường ở khu vực nông thôn) có câu lạc bộ STEM, 200 trường có câu lạc bộ Robot do giáo viên của trường tự đứng lớp. Khoảng 1.000 giáo viên tự đứng lớp dạy lập trình Robot ở các câu lạc bộ STEM.

Thầy Hoàng Vân Đông cũng chia sẻ về các cuộc thi lập trình robot được tổ chức cho học sinh trường tiểu học, THCS tại nhiều tỉnh thành như Nam Định, Nghệ An... Trong đó, các em sẽ sử dụng tư duy STEM, vật liệu tái chế như thìa sữa chua, mảnh xốp để thiết kế ra những chú robot khác nhau. Sau đó lập trình, điều khiển để có thể đưa robot vượt qua các chướng ngại vật nhờ cảm biến siêu âm và về đích theo yêu cầu cuộc thi. Học sinh tiểu học có thể điều khiển robot bằng điện thoại, học sinh THCS có thể làm robot hoạt động tự động.

"Như vậy, trái với suy nghĩ của nhiều người lớn cho rằng học lập trình từ cấp một, cấp hai là điều khó khăn và xa vời thực tế, nhiều học sinh đang chứng minh khả năng học hỏi, tiếp thu, ứng dụng kiến thức lập trình, công nghệ rất tốt, từ đó kết hợp với tư duy sáng tạo để tạo ra những sản phẩm số thiết thực và có ý nghĩa", thầy Hoàng Vân Đông khẳng định.

Tại hội thảo, Hệ thống Giáo dục HOCMAI và FUNiX cũng giới thiệu về Trường học lập trình trực tuyến XiSo, có cùng định hướng với mô hình Giáo dục STEM khi chú trọng đào tạo học sinh kỹ năng thực hành, ứng dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn.

Cụ thể, trường học dành cho học sinh phổ thông từ lớp 6 đến lớp 12 với hình thức học trực tuyến theo mô hình Học - Hỏi - Dạy - Dỗ.

Trong đó, học sinh tự học các bài giảng chuẩn quốc tế của giáo sư đến từ những trường đại học hàng đầu trên thế giới (có phụ đề tiếng Việt). Trong quá trình học, nếu gặp khó khăn, học sinh có thể hỏi đáp trực tuyến với mentor (chuyên gia công nghệ thông tin đang trực tiếp làm việc tại Việt Nam) bất cứ lúc nào.

Mentor không chỉ giải đáp kiến thức trực tuyến cho học sinh mà còn hướng dẫn các em làm bài tập thực hành, dự án thực tiễn thông qua lớp học ảo xClass được tổ chức hai lần mỗi tháng. Lớp học này có quy mô tối đa 15 người để mentor có thể nắm được khả năng tiếp thu, tình trạng học tập thực tế của từng học viên và hỗ trợ tốt nhất. Ngoài ra, vào Chủ nhật đầu tiên mỗi tháng, mentor và học viên có thể gặp gỡ, giao lưu trực tiếp tại ngày hội xDay tổ chức đồng thời tại Hà Nội và TP HCM. Đây là nơi học sinh sẽ được chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm, cơ hội nghề nghiệp lập trình.

Cuối cùng, học sinh sẽ có người đồng hành (Hannah) luôn theo dõi và hỗ trợ mọi vấn đề như: kết nối mentor, lập kế hoạch học tập, lên lịch kiểm tra... Hannah cũng là người "dỗ" để động viên, khuyến khích học viên vượt qua các khó khăn và hoàn thành chương trình học.

Với trường học lập trình trực tuyến XiSo, Hệ thống Giáo dục Học Mãi và FUNiX mong sẽ giúp các em học sinh làm chủ công nghệ, làm chủ ngôn ngữ lập trình ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường phổ thông. Để sau khi tốt nghiệp, các em có thể tự quyết định việc đi làm lập trình viên hay vừa làm vừa học lên đại học, làm chủ tương lai.

Nguồn: VnExpress

loadding
UP