'Học sinh cần được trang bị kỹ năng máy tính và lập trình'

02:19 24/12/2019

Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Tổ chức Dariu Foundation, trẻ cần được trang bị kỹ năng máy tính và lập trình để thích ứng với kỷ nguyên kỹ thuật số.

Những công việc mới chưa có ở thời điểm hiện tại

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong tương lai, có tới 65% trẻ em thuộc lứa tuổi tiểu học hiện nay sẽ làm những ngành nghề mà chúng ta chưa biết tới sự tồn tại của nó ngay ở thời điểm hiện tại.

Điều này tạo ra thách thức cho những nhà làm công tác giáo dục cũng như chính các em. Câu hỏi đặt ra là cần phải đào tạo cho trẻ em những kỹ năng gì trong khi chúng ta còn chưa hình dung được những ngành nghề mới đó? Giám đốc Tổ chức Dariu Foundation Nguyễn Văn Hạnh cho rằng, ngay lúc này, trẻ em cần được đào tạo những kỹ năng cần thiết để có thể đáp ứng và chủ động trước những biến đổi cũng như cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Hạnh - Giám đốc Quỹ Dariu Thụy Sĩ chia sẻ tại hội thảo Giáo dục phổ thông môn Tin học do FUNiX cùng Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức ở Hà Nội mới đây.

"Kỹ năng máy tính và lập trình sẽ là một trong những kỹ năng tối cần thiết cho các em trong tương lai", ông Nguyễn Văn Hạnh nhấn mạnh.

Theo ông Hạnh, việc tiếp xúc với máy tính của học sinh Việt Nam tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa gần như rất thấp, nếu không muốn nói là xa vời. Sự chênh lệch này là rất lớn so với học sinh ở khu vực thành thị, chưa nói tới việc so với quốc gia khác.

Thống kê của đại diện Dariu Foundation cho thấy, các trường học của Việt Nam hiện nay cần khoảng 300.000 chiếc máy tính và khoảng 10.000 giáo viên CNTT. Chưa kể, có tới 30% số máy tính cần thay đổi trong số những máy tính hiện có. Trong khi đó, hiện tại nhiều nước trên thế giới như: Anh, Hàn Quốc... đã đưa lập trình trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh phổ thông. Nhật Bản và Malaysia tại châu Á cũng đưa lập trình vào chương trình bắt buộc đối với học sinh phổ thông kể từ năm 2020.

XiSo - xây dựng tư duy máy tính cho trẻ

Chương trình học lập trình trực tuyến XiSo - được phối hợp xây dựng bởi Hệ thống Giáo dục HOCMAI và Đại học FUNiX nhằm mang tới cho học sinh Việt Nam (lớp 6 đến lớp 12) cơ hội tiếp xúc, học tập lập trình. Đây là một trong những chương trình học lập trình trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam dành cho học sinh với giới hạn độ tuổi rộng.

Thông qua những bài giảng được thiết kế bài bản, hợp lý theo chương trình chuẩn quốc tế phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh từng lứa tuổi cùng đội ngũ người dẫn dắt (Mentor), XiSo mang tới cho học sinh Việt Nam những trải nghiệm thú vị, khiến việc học lập trình thoát khỏi định kiến nhàm chán, khô cứng như nhiều người vẫn nghĩ.

XiSo được thiết kế theo các đai, tương đương với các cấp độ kiến thức dành cho học sinh. Để hoàn thành chương trình, học sinh sẽ phải qua 6 đai, hoàn thành các bài tập cụ thể, gắn liền với thực tiễn, thông qua đó tiếp nhận kiến thức. "Chúng tôi chú trọng phát khả năng phản biện, sự tiếp nhận kiến thức chủ động của học sinh, do đó, tất cả các bài kiểm tra qua đai đều bằng câu hỏi phản biện do các em tự đặt ra", ông Phạm Giang Linh, Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết.

Điểm khác biệt của chương trình này là hình thức học trực tuyến. "Với kinh nghiệm của hai đơn vị giáo dục trực tuyến đứng đầu cả nước, HOCMAI và FUNiX có đủ điều kiện để mang tới cho học sinh trải nghiệm hiệu quả đối với môn học lập trình thông qua hình thức đào tạo này", đại diện HOCMAI cho biết.

Chương trình học XiSo với 5 đặc điểm khác biệt.

Sau khi hoàn thành 6 đai của XiSo, các em cũng được đảm bảo về đầu ra và có thể đi làm sớm ngay khi mới tốt nghiệp THPT hoặc có thể tiếp tục học lên cao hơn nếu muốn theo đuổi nghiên cứu lĩnh vực này. 

Chương trình học XiSo bắt đầu hoạt động từ tháng 10. Hiện tại, chương trình có các lớp được thành lập trên cơ sở định hướng dạy lập trình thông qua việc để học sinh tự giải quyết vấn đề thực tiễn nhằm mang lại cho các em tư duy máy tính - một tư duy cần thiết cho tương lai, bất kể các em có theo đuổi ngành nghề nào.

Nguồn: VnExpress

loadding
UP