Hội thảo giáo dục phổ thông môn Tin học

01:27 11/11/2019

Chương trình do Đại học trực tuyến FUNiX và Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức diễn ra vào ngày 15/11, tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm hỗ trợ cho việc triển khai "Chương trình giáo dục phổ thông môn tin học" do Bộ giáo dục và đào tạo ban hành vào ngày 26/12/2018. Tại đây, các chuyên gia trong nước và những nhà giáo dục hàng đầu đến từ Đài Loan sẽ luận bàn về sự cần thiết cho học sinh tiếp cận sớm với công nghệ thông tin (CNTT) từ bậc phổ thông, những phương pháp mà một số nền giáo dục tiên tiến ở nước ngoài đang áp dụng và những đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông môn tin học ở Việt Nam trong thời gian tới.

Chia sẻ về mục đích của buổi hội thảo, T.S Nguyễn Thành Nam, Founder FUNix cho biết: "Trong tương lai, mọi thiết bị đều là thiết bị thông minh, nếu chỉ dạy học sinh sử dụng các thiết bị ấy thì chỉ tạo nên một thế hệ thụ động. Điều mà nền giáo dục tương lai hướng tới là là dạy học sinh làm chủ thiết bị, nói chuyện, trao đổi và thay đổi nó. Đó cũng là điểm mới trong chương trình giáo dục phổ thông môn Tin học ở các nước tiên tiến và Việt Nam cũng sẽ triển khai trong thời gian tới".

Học lập trình chính là học ngôn ngữ để có thể nói chuyện với những thiết bị thông minh.

Trong hội thảo, thầy Hồ Sĩ Đàm và cô Hồ Cẩm Hà, thuộc ban phát triển Chương trình môn Tin học 2018 sẽ trình bày tham luận "Một số định hướng, cách tiếp cận và nội dung mới trong giáo dục tin học phổ thông năm 2018".

Bà Nguyễn Quỳnh Chi, Trưởng phòng Phát triển chương trình FUNiX và Giảng viên CNTT Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, sẽ trình bày phương pháp "Dạy lập trình phổ thông theo cách thức FUNiX". Bà Quỳnh Chi chia sẻ: "Tôi muốn hướng tới một phương thức giáo dục khác với truyền thống, giúp người học nhanh chóng xây dựng và duy trì khả năng tự học, chủ động khai thác hiệu quả kho tri thức khổng lồ từ mạng và từ cộng đồng nghề được kết nối".

Đặc biệt, tại hội thảo, thầy I Chang, Tsai - Phó chủ tịch, Viện trưởng Viện Giáo dục số, Viện Công nghiệp thông tin Đài Loan sẽ chia sẻ về "Thực tiễn giảng dạy tư duy máy tính tại Đài Loan". Thầy Victor T.S. Horng - Giám đốc cấp cao, Tập đoàn Công nghệ Hon Hai, Đài Loan sẽ trình bày tham luận về kinh nghiệm sử dụng Magic Box để giảm thiểu khoảng cách số.

Thầy Nguyễn Văn Hạnh - Giám đốc Tổ chức The Dariu Foundation sẽ nhận định về bối cảnh trường học và học sinh trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và xu thế các kỹ năng việc làm trong tương lai. Từ đó, thầy giới thiệu và chia sẻ giải pháp dạy CNTT mà The Dariu Foundation đang triển khai là Mô hình trường học di động và Mô hình Codeclub - một hoạt động bên lề của lớp học dạy lập trình. Trong đó, học sinh sẽ được cung cấp các công cụ: máy in 3D, robot, đồ lắp ghép để làm việc nhóm với nhau.

Ông Nguyễn Thành Nam - Founder FUNiX và ông Phạm Giang Linh - Tổng giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI sẽ giới thiệu về chương trình học lập trình trực tuyến XiSo. XiSo là sản phẩm hợp tác giữa trường Đại học trực tuyến FUNiX (trực thuộc Hệ thống Giáo dục FPT) và Hệ thống Giáo dục HOCMAI, mang đến cơ hội học lập trình trực tuyến từ sớm cho mọi học sinh tại Việt Nam từ lớp 6 đến lớp 12. Đây cũng là một trong những hướng đi mới giúp học sinh tiếp cận sớm với CNTT từ bậc học phổ thông, góp phần nâng cao hiệu quả thực tế của "Chương trình giáo dục phổ thông môn Tin học".

Ông Phạm Giang Linh - Tổng giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, với XiSo, Đại học Trực tuyến FUNiX cùng Hệ thống Giáo dục HOCMAI mong muốn đem đến cơ hội cho tất cả học sinh trong độ tuổi từ lớp 6 đến lớp 12 được học lập trình một cách bài bản, chú trọng vào thực hành và khả năng làm việc. XiSo cam kết nếu học viên hoàn thành chương trình học ngay khi tốt nghiệp cấp 3, các bạn sẽ được hỗ trợ việc làm nếu có nhu cầu.

Bảy chủ đề xuyên suốt trong chương trình môn Tin học năm 2018.

Theo PGS. TS Hồ Sĩ Đàm, môn Tin học có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tiếp nhận và sáng tạo tri thức thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Vì thế, trong "Chương trình giáo dục phổ thông 2018", vị trí của môn tin học đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, đây sẽ là môn học bắt buộc có phân hóa, được dạy xuyên suốt từ lớp 3 đến lớp 9 (trong chương trình hiện hành là môn tự chọn). Ở bậc trung học phổ thông, môn học này có vị trí bình đẳng với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý... và được phân hóa theo hai định hướng: Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính.

Chương trình môn Tin học năm 2018 có cách tiếp cận, định hướng phát triển mới, với nhiều nội dung cập nhật tri thức công nghệ số - yếu tố nền tảng của Cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, yếu tố then chốt đầu tiên có tính quyết định là phải có nhận thức đúng và đầy đủ về bản chất cốt lõi của môn Tin học nhằm tránh một số quan điểm lệch lạc dẫn tới bất cập, hệ lụy đáng tiếc trên thực tế khi triển khai chương trình hiện hành vừa qua.

Đổi mới căn bản để có quan niệm, nhận thức đúng và nhất là hiểu đúng về môn Tin học là tiền đề, cơ sở mang tính then chốt để giải quyết các điều kiện khác về phát triển đội ngũ giáo viên, trang thiết bị tin học, đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả giáo dục.

Bà Nguyễn Quỳnh Chi, Trưởng phòng phát triển chương trình FUNiX và giảng viên CNTT Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết: "Những thách thức này rất cần các chuyên gia và những người có thẩm quyền cùng nghiên cứu để đưa ra các giải pháp phù hợp, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn biến sôi động trên toàn cầu".

Mọi thông tin thêm về hội thảo tìm hiểu tại đây.

Nguồn: VnExpress

loadding
UP