Tầm quan trọng của giảng dạy CNTT cho học sinh phổ thông

08:27 31/10/2019

Tư duy tốt về thuật toán và thành thạo kỹ năng lập trình sẽ giúp học sinh nâng cao sự tự tin, sáng tạo, tư duy phản biện.

Trong bài viết của mình tại blog hocthenao.vn, thầy Hồ Đắc Phương, giảng viên Đại học Công nghệ chia sẻ, việc giảng dạy Tin học và CNTT hiện nay tại Việt Nam rất lạc hậu. Điều này gây tổn hại lớn đến ngành Công nghệ thông tin cũng như làm suy yếu một trong những tư duy khoa học quan trọng thời hiện đại.

Thầy Phương lấy dẫn chứng ở ngay Đại học Công nghệ, chỉ có khoảng 1/4 số sinh viên vào thẳng của khoa CNTT, Đại học Công nghệ là có nền tảng lập trình tốt (phần lớn là học sinh có giải Tin học trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia). Đa phần trong tổng số 3/4 sinh viên còn lại là những người thi đại học ở khối A và A1 thì gần như chưa biết gì về lập trình, và phải dạy lại từ đầu. "Sau này, gần như đại đa số sinh viên có thành tựu tại trường đại học đều là những học sinh chuyên Tin từ cấp 3", thầy Phương cho biết thêm.

Ở cấp THPT tại Việt Nam hiện nay, Tin học là môn tự chọn, không nằm trong số các môn thi tốt nghiệp. Kết quả học tập môn Tin học cũng không dùng để xét tuyển đại học, cho dù vào các khoa CNTT. Học sinh sau khi học xong nhiều em không tự làm được những bài tập lập trình cơ bản. 

Trong khi đó, sự phát triển của mọi quốc gia đang gắn liền với cuộc cách mạng 4.0. Nhờ máy tính và công nghệ số mà nhiều thay đổi sẽ xảy ra trong lao động, sản xuất, khoa học, công nghệ. Vì vậy, có tư duy tốt về thuật toán và thành thạo kỹ năng lập trình sẽ giúp học sinh nâng cao sự tự tin, sáng tạo, có kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện tốt. Từ đó, các em sẽ có định hướng nghề nghiệp sớm và thấy được khả năng ứng dụng vào thực tế của Toán học và Tin học.

Cách giảng dạy tốt CNTT trong trường phổ thông

Trên thế giới, Anh là quốc gia đầu tiên quy định lập trình là môn học bắt buộc trong các trường tiểu học và trung học, với chương trình phù hợp cho từng lứa tuổi.

Theo nguồn tin mới nhất từ Nikkei, Nhật Bản, từ tháng 4/2020, Nhật cũng chính thức đưa Lập trình máy tính trở thành môn học bắt buộc tại các trường phổ thông, trong đó, các môn lập trình cơ bản sẽ được dạy từ lớp 5.

Tại Việt Nam, nhận thấy tầm quan trọng và sự cấp thiết của việc giảng dạy công nghệ thông tin trong nhà trường phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có phương án cải tiến môn Tin học trong chương trình Giáo dục Phổ thông mới.

Trong bài viết chia sẻ 10 điểm mới nổi bật của Chương trình Giáo dục Phổ thông mới môn Tin học so với chương trình hiện hành, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm - Chủ biên chương trình môn Tin học cho biết: "Trong chương trình mới, giáo dục Tin học có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho học sinh khả năng tìm kiếm, tiếp nhận, sáng tạo tri thức trong thời đại cách mạng công nghiệp. Công nghệ số là nền tảng tạo phương thức sản xuất thông minh mang tính toàn cầu hóa, là công cụ hiệu quả hỗ trợ biến việc học thành tự học suốt đời".

Cụ thể, ở chương trình Giáo dục Phổ thông mới, tin học được xác định là môn bắt buộc có phân hóa ở cấp tiểu học và THCS. Riêng ở THPT, Tin học phân hóa theo hai định hướng Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm cho hay.

Như vậy, việc giúp học sinh học giỏi Tin học từ bây giờ để chuẩn bị tốt cho tương lai là điều cần thiết. "Giáo viên Tin học có thể chủ động trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật chương trình học mới từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để có thể dạy cho học sinh những kiến thức cần thiết, hữu ích hơn. Phụ huynh có thể hỗ trợ con bằng cách tạo điều kiện cho con học và theo đuổi đam mê Tin học", đại diện Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết.

Hiểu rõ tầm quan trọng của việc áp dụng môn Tin học vào phát triển năng lực cho học sinh tại các trường phổ thông, hội thảo Giáo dục Phổ thông môn Tin học do Đại học trực tuyến FUNiX cùng Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức sẽ diễn ra tại Hà Nội, ngày 15/11.

Tham gia trình bày tham luận tại hội thảo có PGS.TS. Hồ Sĩ Đàm - Chủ biên Chương trình môn Tin học phổ thông mới cùng những chuyên gia Giáo dục trong nước như ông Nguyễn Thành Nam, Founder FUNiX; ông Phạm Giang Linh - Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI; thầy Bùi Việt Hà - Giám đốc Công ty Công nghệ Tin học Nhà trường; cô Nguyễn Quỳnh Chi Trưởng Phòng Phát triển Chương trình FUNiX & Giảng viên CNTT Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông, thầy Nguyễn Văn Hạnh - Giám đốc Tổ chức The Dariu Foundation... Đặc biệt, hai chuyên gia Giáo dục nước ngoài là thầy I Chang Tsai - Phó chủ tịch, Viện trưởng Viện Giáo dục số, Viện Công nghiệp Thông tin Đài Loan và thầy Victor T.S. Horng, Giám đốc cấp cao, Tập đoàn Công nghệ Hon Hai cũng tham dự hội thảo

Các chuyên gia sẽ luận bàn về việc dạy và học môn Tin học phổ thông theo định hướng tiếp cận sớm với CNTT từ bậc học phổ thông ở một số nước trên thế giới và định hướng triển khai của Việt Nam trong thời gian tới. Các giáo viên và phụ huynh tại Hà Nội có thể đăng ký tham gia miễn phí tại đây.

loadding
UP