Nhận định và gợi ý đáp án đề thi chính thức kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2021

11:13 07/07/2021

Dưới đây là Nhận định và Gợi ý đáp án về Đề thi chính thức kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2021 do Tổ bộ môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI thực hiện

I. Nhận định

Đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia 2021 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Cụ thể như sau:

Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo các mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) là câu hỏi nhận biết về 1 khía cạnh của nội dung văn bản. Câu 3 ở mức độ thông hiểu yêu cầu học sinh trình bày cách hiểu của mình về một hiện tượng cụ thể, từ đó khái quát lên những quy luật trong cuộc sống con người – đây là câu hỏi đòi hỏi thí sinh  không chỉ nhận thức được nội dung ý nghĩa của cấu trúc ngôn từ mà còn cần kết hợp với trải nghiệm cá nhân trong cuộc sống để hướng tới những vấn đề lớn lao, mang tính vĩnh hằng trong cuộc sống con người – do đó đây là 1 câu hỏi thông hiểu ở mức độ khó. Câu hỏi số 4 là câu vận dụng cao yêu cầu học sinh rút ra bài học về lẽ sống qua hành trình từ sông ra biển của nước trong đoạn trích – nếu kết hợp với vấn đề đặt ra trong câu nghị luận xã hội, học sinh có thể dễ dàng trả lời được câu hỏi số 4 về lẽ sống cống hiến. Nhìn chung, các câu hỏi đọc hiểu vừa sức với học sinh, nhất là 2 câu đầu ở mức độ nhận biết, học sinh hoàn toàn có thể được điểm tối đa; câu hỏi vận dụng cao cũng đã có phần gợi ý từ câu lệnh của bài làm văn số 1; khó khăn duy nhất với học trò là câu 3 ở mức độ thông hiểu – và đây có thể coi là câu hỏi mang tính phân loại cho bài làm của thí sinh.

Phần II – Làm văn (7,0 điểm): Giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).

Câu 1 (2,0 điểm):  Câu lệnh đã cung cấp đầy đủ và chuẩn xác các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết 1 đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về 1 khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu, đó là “sự cần thiết phải biết sống cống hiến”. “Sống cống hiến” là một vấn đề quen thuộc trong cả cuộc sống và văn chương; chọn bình diện nhỏ của vấn đề là “sự cần thiết phải biết sống cống hiến” chính là yêu cầu học trò đề cập đến ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, giá trị….của ý thức “sống cống hiến” đối với mỗi con người cũng như toàn xã hội. Một vấn đề rất lớn lao, rất ý nghĩa và cũng đồng thời quen thuộc trong thi ca, văn học, trong cuộc sống hàng ngày…hoàn toàn sẽ không làm khó cho học trò. Điều băn khoăn duy nhất là có thể học sinh sẽ gặp sự giao thoa giữa câu hỏi số 4 của phần đọc hiểu với khía cạnh cần bàn luận trong câu viết đoạn văn nghị luận xã hội; và đó cũng là nguyên nhân khiến bài viết ít có khả năng khơi gợi hứng thú và sự sáng tạo của thí sinh.

Câu 2 (5,0 điểm): Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc, trong đó câu lệnh thứ nhất là nội dung chính của bài nghị luận yêu cầu thí sinh cảm nhận về 3 khổ 3,4,5 trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh; câu lệnh thứ 2 mang tính chất khái quát và nâng cao khi yêu cầu học trò nhận xét về “vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh”.  Khổ 3 và 4 thể hiện những trăn trở, suy tư của người phụ nữ về sự bí ẩn, kì lạ, cũng là kì diệu của tình yêu khi liên tưởng tới sóng và gió; khổ 5 thông qua sóng, người phụ nữ bày tỏ một trong những xúc cảm mang tính đặc thù nhất của tình yêu đó là nỗi nhớ … – đó là những nội dung gắn với suy tư và xúc cảm thường gặp của người phụ nữ trong tình yêu, cũng đồng thời thể hiện “ vẻ đẹp nữ tính” trong hồn thơ Xuân Quỳnh nói chung và bài thơ Sóng nói riêng. Vấn đề không mới, càng không hề khó với học trò, và “vẻ đẹp nữ tính” là một nét đặc sắc rất phù hợp với đoạn thơ và bài thơ - đó là những vấn đề mà thí sinh hoàn toàn có thể đồng thời phân tích trong quá trình cảm nhận, hoặc tách thành 2 luận điểm một cách mạch lạc như yêu cầu của đề.

Nhìn chung, đề thi Ngữ văn trong kì thi TNTHPT 2021 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Đề thi vừa sức,  quen thuộc, không có cả sự đột biến gây sốc cũng như sự mới mẻ khơi gợi hứng thú sáng tạo; phần Làm văn không có những câu lệnh tạo dư địa cho phản biện và sự thể hiện quan điểm độc lập của thí sinh. Mức độ phân hóa của đề nếu có cũng chỉ  xuất hiện trong câu hỏi Đọc hiểu số 3,4 và trong mức độ thực hiện các yêu cầu của phần Làm văn.

II. Gợi ý đáp án do  Tổ Ngữ văn Hệ thống Giáo dục HOCMAI thực hiện

PHẦN I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Trong đoạn trích, sự ra đời của một dòng sông được diễn ra như sau: Từ những kẽ hở trên mặt đất, nước trào lên, mát lạnh và trong lành. Từ một dòng nước nhỏ, nước hòa vào với nước tươi mát rơi từ trên trời và nước thấm vào đất để tạo nên một dòng suối nhỏ cứ chảy mãi xuống cho tới khi, một dòng sông ra đời.

Câu 2.

Món quà cuối cùng nước dành tặng cho loài người trước khi hòa vào biển cả là những vùng nông nghiệp vĩ đại nhất trên thế giới được hình thành từ những vùng châu thổ màu mỡ

Câu 3.

Những câu văn giúp con người hiểu được:

- Về dòng chảy của nước: Hiền hòa, dịu nhẹ, là người bạn chứng kiến, gắn bó với cuộc sống của con người. 

- Về cuộc sống của con người: Bình yên, giản dị, đầm ấm, hạnh phúc. 

Câu 4. Đây là một câu hỏi mở. Học sinh nêu cách hiểu của cá nhân. Cần lí giải thuyết phục, hợp lí. Sau đây là gợi ý:

- Cuộc sống là một hành trình dài. Trong hành trình ấy, con người cần gắn kết với thế giới xung quanh, cống hiến những gì đẹp đẽ nhất cho cuộc đời.

- Cuộc đời riêng của mỗi người là một phần của cuộc sống, hãy biết hòa nhập vào cuộc đời chung để tạo nên những điều tốt đẹp. 

-  Cuộc sống có ý nghĩa khi con người sống hết mình, trân trọng từng giây phút trong cuộc đời. 

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1: (2,0 điểm)

Đề bài: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải biết sống cống hiến.

1. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (0,25 điểm)

- Viết thành đoạn văn (khoảng 200 chữ). 

- Có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)

Sự cần thiết phải biết sống cống hiến.

3. Triển khai vấn đề nghị luận (1,0 điểm)

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Có thể theo hướng sau:

* Giải thích

Cống hiến là tự nguyện dâng hiến công sức, đóng góp sức mình cho cộng đồng, xã hội.

→  Khẳng định vai trò, sự cần thiết của lẽ sống cống hiến.

* Bình luận

- Sống cống hiến tạo ra sức mạnh to lớn cho cộng đồng, lan tỏa những năng lượng tích cực, những thông điệp có ý nghĩa, góp phần làm cho xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh.

- Sống cống hiến mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mỗi cá nhân, định hướng giúp mỗi cá nhân tự hoàn thiện mình, có ý thức trách nhiệm với bản thân, với đất nước.

- Sống cống hiến thể hiện nét đẹp truyền thống của ông cha ta.

* Chứng minh

Nêu và phân tích được một vài minh chứng cho sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Gợi ý: 

- Chủ tịch Hồ Chí Minh vì độc lập của dân tộc, đã dành trọn cả cuộc đời cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.

- Các y bác sĩ đã toàn tâm, toàn lực đi sâu vào vùng dịch bệnh để cùng nhân dân các tỉnh, thành phố khoanh vùng dịch, dập dịch không quản ngại khó khăn, gian khổ.

* Liên hệ, mở rộng

Liên hệ đến nhận nhận thức và hành động của bản thân về sự cần thiết phải sống cống hiến. Gợi ý:

- Có suy nghĩ đúng đắn, hành động thiết thực vì lợi ích chung của cộng đồng.

- Phê phán những con người sống vị kỉ, vụ lợi,...

4. Chính tả, ngữ pháp (0,25 điểm)
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

5. Sáng tạo (0,25 điểm)
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Câu 2. (5,0 điểm)

Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trong bài thơ Sóng. Từ đó, nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.

1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,25 điểm) 

Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)

- Cảm nhận khổ thơ 3, 4, 5 trong bài thơ “Sóng”.

- Nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
a. Giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Quỳnh và tác phẩm “Sóng”(0,5 điểm)

b. Triển khai hệ thống luận điểm (3,5 điểm)

* Cảm nhận về đoạn thơ:

- Người phụ nữ khao khát lí giải nguồn gốc của sóng cũng như của tình yêu (khổ 3, 4):

+ Điệp cấu trúc “em nghĩ về” kết hợp với hai câu hỏi thể hiện dòng suy nghĩ miên man, những trăn trở suy tư của người phụ nữ về nguồn gốc của sóng cũng như cội nguồn của tình yêu. Từ đó, chân dung người phụ nữ trong tình yêu hiện lên với mong muốn thấu hiểu trái tim của người mình yêu, đồng thời khát khao khám phá chính bản ngã của mình.

+ Câu trả lời chung “Em cũng không biết nữa” cho thấy cả gió và tình yêu đều có những quy luật riêng mà lí trí logic không thể nắm bắt. 

⇒ Hai khổ thơ thể hiện bản chất của tình yêu: Tình yêu muôn đời luôn có những bí ẩn để con người khám phá. Một tình yêu đích thực phải đến một cách tự nhiên, trong sáng, trực cảm.

- Người phụ nữ bộc bạch nỗi nhớ vượt qua mọi giới hạn không gian, thời gian (khổ 5):

+ Nỗi nhớ của em trong tình yêu song hành với hành trình cập bờ của sóng.

+ Sóng liên tục vận động sục sôi từ “lòng sâu” lên “mặt nước” rồi ào ạt cập “bờ”.

+ Xuân Quỳnh đã thống nhất những cặp phạm trù đối lập “ngày” - “đêm” để khẳng định nỗi nhớ da diết. “Không ngủ được” vì người phụ nữ luôn phấp phỏng, lo âu trong tình yêu.

+ Khổ 5 tăng thêm hai câu thơ, sự phá vỡ kết cấu thể thơ thể hiện sự trào dâng trong nỗi nhớ, cảm xúc. Lời khẳng định “Cả trong mơ còn thức” thể hiện tình cảm chân thành, sâu lắng, thiết tha, vượt lên mọi giới hạn “mơ” - khát khao của tâm tưởng hay “thức” - tỉnh táo của lí trí.

→ Khẳng định đặc điểm nỗi nhớ của người phụ nữ trong tình yêu: Luôn luôn tồn tại dù có hay không bộc bạch thành lời.

- Nghệ thuật:

+ Hai hình tượng trung tâm “sóng” và “em” khi đan cài, khi tách rời.

+ Thể thơ 5 chữ tạo nhịp tự do, thuận lợi để thể hiện mọi tâm trạng cảm xúc.

+ Các biện pháp ẩn dụ, liên tưởng thể hiện những sắc điệu phong phú của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.

+ Âm hưởng dạt dào, da diết như nhịp điệu của những con sóng. 

* Nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ:

- Giải thích: “Vẻ đẹp nữ tính” là những vẻ đẹp đặc trưng của nữ giới, được thể hiện thông qua tư tưởng, tình cảm, hình ảnh, ngôn ngữ và giọng điệu trong thơ.

- Vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh:

+ Người phụ nữ hồn nhiên đến đáng yêu trong sự lí giải nguồn gốc của sóng cũng như tình yêu. 

+ Sự nhạy cảm, tinh tế trong cảm nhận về tình yêu của người phụ nữ đa cảm: Khi mãnh liệt, da diết, khi phấp phỏng lo âu, khi lại dịu dàng, đằm thắm. 

+ Trong cách lựa chọn hình tượng thơ: Xuân Quỳnh chọn hình tượng thiên nhiên là “sóng” (với đặc điểm thiên tính nữ, khi ào ạt mạnh mẽ, khi êm dịu sâu lắng).

+ Cách xưng hô trong thơ là “em”, nhỏ nhẹ và đằm thắm. 

⇒ Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một người phụ nữ khao khát hạnh phúc đời thường nhưng cũng đầy phấp phỏng, âu lo. 

4. Chính tả, ngữ pháp (0,25 điểm)
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt.

5. Sáng tạo (0,5 điểm)
Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.




loadding
UP