Cuộc thi hùng biện tiếng Anh chủ đề ngoại giao

11:18 29/09/2020

Cuộc thi hùng biện “Speak to Lead” dành cho học sinh THPT với chủ đề mối quan hệ hợp tác Việt - Mỹ sau 25 năm thiết lập quan hệ.

Cuộc thi hùng biện Tiếng Anh "Speak to Lead" do Đại sứ quán Mỹ phối hợp với Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ.

Thông qua cuộc thi, ban tổ chức mong muốn thúc đẩy học sinh Việt Nam tìm hiểu về quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Kết thúc cuộc thi, các đội tham gia sẽ được nhận giấy chứng nhận, kỉ niệm chương, học bổng trực tuyến và cơ hội tham dự Hội nghị "Thought Leaders Conference 2020" của Đại sứ quán Mỹ tổ chức tại Hà Nội.

Thí sinh tham dự cuộc thi hùng biện bằng tiếng Anh.

Cuộc thi được tổ chức từ tháng 7 - tháng 10, với ba vòng thi: Vòng tuyển chọn cấp trường, vòng xếp hạng và chung kết. Hai vòng đầu, thí sinh thi trực tuyến thông qua video tự dàn dựng và thực hiện, vòng chung kết diễn ra trực tiếp tại Hà Nội. Trong quá trình thi, học sinh được Ban tổ chức đào tạo các kĩ năng cần thiết để chuẩn bị cho cuộc thi và tham gia khóa học trực tuyến về kĩ năng hùng biện.

Vòng thi thứ nhất diễn ra từ tháng 7 - tháng 8 có chủ đề "Quan hệ Việt Nam - Mỹ sau 25 năm bình thường hóa quan hệ: Nhìn lại quá trình bình thường hóa quan hệ, những nỗ lực và thành quả đạt được trong 25 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Mỹ". Qua đánh giá, Ban tổ chức đã chọn ra 19 bài thi bước vào vòng 2. Điểm sáng của vòng đầu tiên thể hiện qua sự đầu tư về nội dung và đa dạng phong cách trong hình thức thể hiện của các bài dự thi.

Ở khu vực phía Nam, đáng chú ý là bài thi đến từ học sinh trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang). Bằng cách sử dụng hoạt hoạ, các thí sinh đã khéo léo lồng ghép các dấu mốc trong mối quan hệ Việt Nam - Mỹ thông qua câu chuyện về cuộc gặp gỡ của đôi bạn trẻ. Câu chuyện về mối quan hệ hai nước được nhìn nhận mới mẻ, truyền tải một cách nhẹ nhàng, cảm xúc.

Bên cạnh đó có bài dự thi của trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang) với hình thức của một bản tin truyền hình. Các thí sinh lần lượt đóng vai trò là những biên tập viên, truyền tải tin tức liên quan đến quá trình thiết lập và phát triển mối quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ.

Ở khu vực phía Bắc, bài dự thi của Trường THPT Lê Quý Đôn (Điện Biên) đầu tư ghi hình ngoại cảnh với nhiều góc máy ấn tượng. Mỗi địa điểm có một thí sinh xuất hiện và thuyết trình về một vấn đề đáng chú ý trong mối quan hệ giữa hai nước.

Về phần nội dung, một số bài thi đã tạo được điểm nhấn bằng việc tiếp cận những góc độ riêng, độc đáo của mối quan hệ bang giao này. Nổi bật là bài thi của trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái), với việc đề cập đến chương trình trao đổi trợ giảng Tiếng Anh của Fulbright. Đội thi đã đem đến cái nhìn cụ thể và thiết thực về thành quả của tiến trình hợp tác giữa hai nước thông qua việc cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở địa phương.

Bà Phạm Thị Hương Giang, đại diện Ban tổ chức cuộc thi, bày tỏ sự tán dương: "Chúng tôi rất bất ngờ trước khả năng sáng tạo của các em. Các bài thi được đầu tư tốt cả về nội dung và hình thức, có nhiều góc tiếp cận đặc sắc về mối qua hệ hai nước. Các bài thi không chỉ đi theo hướng tiếp cận tiến trình lịch sử mà còn khai thác mối quan hệ bang giao đó trong tương quan với những thuận lợi và thách thức trong thời đại mới. Hình thức thể hiện các bài thi phong phú từ hoạt họa, vẽ tay, đến việc kết hợp tư liệu lịch sử và quay... giúp cho việc truyền tải trở nên hấp dẫn và thu hút người xem hơn".

Với nhiều đội thi, đây là lần đầu tiên các em được thử sức ở loại hình sân chơi này, nhưng tất cả đều đầu tư công phu, nghiêm túc và nhận được sự tư vấn nhiệt tình của các thầy cô giáo hướng dẫn.

Thí sinh Lê Thị Huyền Trang (Đội Daisy, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh, Đăk Nông) chia sẻ, nhờ cuộc thi, em học được nhiều điều, từ kĩ năng làm việc nhóm đến tổng hợp, tìm kiếm thông tin, từ kĩ năng nói trước máy quay đến biên tập sản phẩm.

Là người trực tiếp đồng hành cùng đội thi, cô Lê Thị Thúy Phương, giáo viên trường THPT Chuyên Hà Giang, chia sẻ, cô tham gia giúp các em định hướng và tìm kiếm thông tin đồng thời, góp ý cho các em về phần phát âm tiếng Anh và nội dung khi thực hiện bài thi. Các em đã làm việc nghiêm túc và trưởng thành hơn sau cuộc thi.

Trước khi bước vào vòng 2, thí sinh sẽ được tham gia khoá học hùng biện giúp các đội thi nâng cao kĩ năng và phong thái hùng biện một cách tự tin, trôi chảy. Ở vòng thi sau, các thử thách sẽ khó hơn, đòi hỏi thí sinh phải đối đầu, liên tục sáng tạo, làm mới các bài thi để ghi điểm.

Dự kiến vòng 2 được tổ chức từ 10 - 20/9. 19 đội lọt vào vòng 2 chia thành 5 cụm thi. Các đội thi ở mỗi cụm sẽ kết nối và thi trực tuyến với 5 chủ đề: Quá trình hợp tác thương mại giữa Việt Nam - Mỹ và những triển vọng phát triển trong tương lai trên các lĩnh vực thương mại, giáo dục, môi trường, khoa học công nghệ và giao lưu văn hoá.

Nguồn VnExpress

loadding
UP