‘Điểm chuẩn ĐH Thương mại không chênh nhiều so với 2019’

11:29 29/09/2020

PGS.TS Lê Thị Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lí đào tạo cho biết phổ điểm tiếng Anh năm 2020 tăng 0,1 - 0,2 điểm so với năm 2019.

Thông tin được PGS.TS Lê Thị Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lí đào tạo - Đại học Thương mại, chia sẻ trong chương trình "Tư vấn điểm chuẩn và điều chỉnh nguyện năm 2020". Chương trình còn có sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại truyền thông - ĐH Thương mại và thầy Võ Anh Tuấn, giáo viên môn tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.

Điểm Tiếng Anh không thay đổi nhiều so với 2019

Năm 2020, Đại học Thương mại tuyển sinh 4.150 chỉ tiêu, trong đó 3.600 chỉ tiêu cho chương trình đại trà, 200 chỉ tiêu cho chương trình chất lượng cao, 350 chỉ tiêu cho chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù.

PGS.TS Lê Thị Thanh Hải cho biết, năm nay, Đại học Thương mại ngoài xét tuyển thẳng và xét tuyển dựa vào kì thi Tốt nghiệp THPT còn bổ sung thêm phương thức xét tuyển kết hợp. Tuy nhiên chỉ tiêu tối đa dành cho 2 phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp có 10%.

Sinh viên Đại học Thương mại nhập học.

Dựa vào kết quả thi Tốt nghiệp THPT 2020, nhìn chung các môn thi đều có phổ điểm tăng ít nhất là 1 điểm so với năm 2019 trừ môn Tiếng Anh với mức tăng thấp hơn khoảng 0,1. Với mức tăng như vậy, Đại học Thương mại dự kiến điểm chuẩn không có thay đổi đáng kể so với năm 2019.

"Hầu hết các tổ hợp xét tuyển vào các ngành của trường đều có môn tiếng Anh. Trong đó, phổ điểm thi Tiếng Anh năm 2020 chỉ tăng khoảng 0,1 - 0,2 điểm so với năm 2019. Đây là một nhân tố làm cho mức điểm chuẩn của năm 2020 không có sự chênh lệch nhiều với năm 2019", PGS.TS Lê Thị Thanh Hải chia sẻ tại chương trình.

Đại học Thương mại sử dụng 2 tiêu chí phụ để xét tuyển trong trường hợp các thí sinh có điểm thi bằng nhau. Tiêu chí phụ được xét dựa vào điểm thi của tổ hợp xét tuyển, chuyên ngành đào tạo mà thí sinh đăng kí, ví dụ: ngành ngôn ngữ Anh, tiêu chí phụ là điểm môn tiếng Anh, xét hết tiêu chí phụ sẽ xét theo thứ tự nguyện vọng của thí sinh.

Hệ đào tạo đặc thù tuyển sinh sớm hơn

Đại học Thương mại có 3 chương trình đào tạo: hệ đại trà, hệ chất lượng cao và hệ đặc thù.

Năm 2018 - 2019, chương trình đào tạo đặc thù được tuyển sinh sau khi thí sinh đã xác nhận nhập học đợt 1 đối với chương trình đại trà và chất lượng cao, nguồn tuyển sinh không nhiều khiến cho điểm trúng tuyển thấp hơn. Năm nay, chương trình đào tạo đặc thù sẽ được tuyển sinh song song với chương trình đại trà và chất lượng cao, dự kiến điểm chuẩn có thể tăng so với năm 2019.

Khuôn viên Đại học Thương mại tại Hà Nội.

Thí sinh theo học hệ đào tạo đặc thù sẽ có 50% thời gian học tại trường, 50% học tại doanh nghiệp. Cùng với đó, các doanh nghiệp sẽ cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo và đánh giá kết quả học tập của sinh viên, sau này có thể sử dụng nguồn lao động sau khi tốt nghiệp tại trường.

"Sinh viên có cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp từ khi còn chưa tốt nghiệp, có nhiều cơ hội để thực hành các hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành mà mình theo học, thích nghi ngay với môi trường làm việc sau khi ra trường. Điều này đem lại nhiều lợi ích trong tìm kiếm việc làm phù hợp với mức đãi ngộ tốt cho các em", PGS.TS Nguyễn Viết Thái chia sẻ thêm.

Đối với hệ chất lượng cao, chương trình đào tạo của sinh viên có các cấu phần, học phần cơ sở ngành và chuyên ngành bằng tiếng Anh. Trong 2 năm đầu, chương trình đào tạo sẽ tập trung vào các học phần tiếng Anh cơ bản để trang bị vốn ngoại ngữ cho sinh viên, làm nền tảng để học các chuyên ngành bằng tiếng Anh ở năm 3, năm 4 đại học.

PGS.TS Nguyễn Viết Thái cho biết: "Trong đề án tuyển sinh, trường cũng công bố điều kiện dành cho các thí sinh muốn đăng kí học hệ chất lượng cao phải đạt từ 6 điểm trở lên môn Tiếng Anh kì thi Tốt nghiệp THPT. Trong 2 năm đầu, trường tổ chức các lớp tăng cường tiếng Anh theo định hướng IELTS để thí sinh khi bước sang năm 3, có thể tự tin học chuyên ngành cùng giảng viên nước ngoài. Tuy nhiên, chính bản thân sinh viên cần phải có sự chủ động trau dồi vốn ngoại ngữ để có nhiều cơ hội tham gia vào các chương trình giao lưu quốc tế và học tập".

Quá trình tham gia và học tập tại doanh nghiệp chỉ dành cho thực tập cuối khóa đối với hệ đào tạo đại trà, mức độ học các học phần bằng tiếng Anh ít hơn. Sinh viên trước khi tốt nghiệp phải đảm bảo yêu cầu chuẩn đầu ra tiếng Anh là 3 trên 6 đối với hệ đào tạo đại và đặc thù, chuẩn đầu ra là 4 trên 6 đối với hệ chất lượng cao theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.

Ngoài ra, Đại học Thương mại còn có cơ sở 2 ở Phủ Lí, Hà Nam dành để học quân sự và đào tạo một số học phần cơ bản cho sinh viên trong một học kỳ. Dự kiến 4 chuyên ngành trong học kì 1 năm 2020 học tại cơ sở Hà Nam gồm: Marketing, Quản trị thương hiệu, Kinh doanh Quốc tế và Kinh tế Quốc tế.

Chương trình "Tư vấn điểm chuẩn và điều chỉnh nguyện vọng năm 2020" Đại học Thương mại được tiếp nối từ chương trình "Tư vấn tuyển sinh vào đại học" do Hệ thống Giáo dục HOCMAI cùng các trường đại học phối hợp thực hiện. Theo dõi chương trình tại đây.

Nguồn VnExpress

loadding
UP