Hai khó khăn của nghề dạy trực tuyến

02:18 12/03/2019

Giáo viên dạy trực tuyến cần tự tin trước ống kính, tự tưởng tượng ra tình huống sư phạm để truyền đạt sinh động, cuốn hút tới học sinh.

Chuẩn bị kỹ giáo án 

Dù giảng dạy cách nào, thầy cô giáo đều cần chuẩn bị trước giáo án. Tuy nhiên, với dạy trực tuyến, sự chuẩn bị này đạt đến mức độ khắt khe gấp nhiều lần.

Với những lỗi nói vấp, nói sai, dạy trực tiếp có thể sửa ngay và bài giảng cứ thế trôi đi. Thậm chí, nhiều khi những lỗi này có thể tạo ra bầu không khí gần gũi giữa thầy trò. Nhưng khi dạy trực tuyến, thầy cô phải chắt lọc từng đơn vị kiến thức, trau chuốt từng câu, chữ bởi mọi động tác, cử chỉ, ngữ điệu, nội dung của người giáo viên đều được ghi hình lại. Một lỗi sai nhỏ, hay chỉ một tiếng ho cũng có thể phá hỏng cả buổi ghi hình.

Ngoài ra, nếu hình thức giảng dạy truyền thống cho phép giáo viên trực tiếp tiếp xúc, cảm nhận và nghe phản hồi của học sinh thì dạy trực tuyến lại đòi hỏi người giáo viên nhiều kỹ năng phức tạp khác.


Theo cô Tuyết, khi dạy trực tuyến, các thầy cô phải chắt lọc từng đơn vị kiến thức, trau chuốt từng câu chữ

Theo đó, thầy cô phải tự tin trước ống kính, tự tưởng tượng ra tình huống sư phạm, tự hình dung trước mặt mình là học sinh để dạy "có lửa" nhất. Nhiều thầy cô giảng trực tiếp hay nhưng không thể vượt qua thử thách đứng trước ống kính máy quay do không tìm được cảm hứng khi phải dạy "chay" một mình.

Tuy nhiên, đó chưa phải là khó khăn cuối cùng. Do tìm cảm hứng khó, mỗi ca ghi hình thường phải kéo dài 4 đến 8 tiếng để tận dụng tối đa trước khi cảm hứng trôi đi mất. Các phòng ghi hình vì thế sáng đến đến 11, 12 giờ đêm là chuyện thường tình.

Kỷ lục có thầy, cô từng ghi hình một mạch từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau với khẩu phần bữa tối vỏn vẹn chiếc bánh mỳ trứng.

Không ngừng sáng tạo

"Khác biệt hoặc biến mất" là câu hỏi mà những thầy, cô giảng dạy trực tuyến luôn đặt ra để tạo mục tiêu cho bản thân nếu muốn tồn tại lâu dài với nghề bởi không có gì triệt tiêu niềm ham học của học sinh nhanh bằng sự nhàm chán. Bài giảng phải thực sự hữu ích, khiến học sinh thấy hứng thú thì mới tạo ra sức hút.

Giáo viên dạy trực tuyến phải linh hoạt trong hình ảnh, ngữ điệu, nội dung suốt quá trình giảng dạy. Nếu chỉ có một lối giảng đơn điệu, clip nào cũng giữ nguyên một nét mặt và một bộ trang phục thì việc học sinh quay lưng là kết cục khó tránh khỏi.

Mặt khác, nhiều người lầm tưởng dạy trực tuyến là chỉ cần ghi hình bài giảng một lần, sau đó dùng lại năm này qua năm khác. Điều này không đúng. Theo thống kê của Hệ thống Giáo dục HOCMAI, hàng năm tỷ lệ số bài giảng trực tuyến cần thay thế, bổ sung của đơn vị này luôn ở mức 40-50%.

"Điều này đến từ nhiều nguyên nhân, đầu tiên là khi so sánh giữa các năm, nếu khóa học không có sự đổi mới trong nội dung, cách truyền tải sẽ không gây được hứng thú, từ đó, giảm hiệu quả học tập của học sinh. Thứ hai, chương trình học và yêu cầu thi cử mỗi năm đều có sự thay đổi, yêu cầu thầy cô cũng như bài giảng phải cập nhật cái mới để hỗ trợ tối đa việc học tập của học sinh, ông Phạm Giang Linh, Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết.

Không chỉ thực hiện công việc dạy học đơn thuần, những giáo viên trực tuyến có thể tác động và góp phần định hướng lại dư luận xã hội bằng cách mạnh dạn nói lên quan điểm cá nhân.

Đơn cử, bài viết "S.O.S - Cách hiểu về đoạn văn nghị luận xã hội trong đề thi THPT quốc gia" trên facebook cá nhân của cô Tuyết. Chỉ sau một tiếng xuất hiện, bài viết đã tạo ra một hiệu ứng lớn đối với phụ huynh, học sinh và thu hút báo giới vào cuộc. Hay mỗi bài đăng trên trang facebook của thầy giáo Vũ Khắc Ngọc luôn trở thành "điểm nóng" với những cuộc tranh luận sôi nổi và giàu tính nhân văn. 

Cô Trịnh Thu Tuyết
Giáo viên môn Văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI

Nguồn: vnexpress.net



loadding
UP