Nhận định đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn

05:34 12/07/2020

Đã kết thúc buổi thi tuyển sinh vào lớp 10 đầu tiên của Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn năm học 2020- 2021. Hãy cùng theo dõi xem đề thi năm nay có gì đặc biệt nhé!

Đề thi môn Ngữ văn (Không chuyên)

Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI: “Đề nhẹ nhàng, đảm bảo kiểm tra toàn diện kiến thức và kỹ năng học sinh”

Đây là năm đầu tiên Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10. Đề thi Ngữ văn chung có cấu trúc quen thuộc với hai phần: Đọc hiểu văn bản và Làm văn.

Phần Đọc hiểu văn bản (3 điểm) kiểm tra các kiến thức đọc hiểu văn bản trích trong truyện ngắn Chiếc lược ngà. Các câu hỏi tập trung kiểm tra kiến thức về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, kiến thức tiếng Việt và ý nghĩa một chi tiết trong văn bản. Các câu hỏi đề khá cơ bản, nắm chắc thông tin và nội dung tác phẩm các thí sinh sẽ làm tốt và giành điểm ở các câu hỏi này.

Phần Làm văn có hai câu hỏi, yêu cầu viết đoạn nghị luận xã hội và đoạn nghị luận văn học.

Đoạn nghị luận xã hội hỏi về ý nghĩa của tình cảm gia đình. Vấn đề cần nghị luận gần gũi, quen thuộc với học sinh nên sẽ không gây khó khăn cho các thí sinh, nhất là khi đây là học sinh dự thi vào trường chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn.

Đoạn nghị luận văn học yêu cầu cảm nhận về khổ thơ thứ tư và thứ năm của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, nói về ước vọng hoà nhập và cống hiến của tác giả. Đoạn thơ hay, vừa giàu ý nghĩa vừa có nhiều hình ảnh ấn tượng, cảm xúc chân thành, tha thiết. Đây cũng là phần kiến thức nằm trong trọng tâm ôn luyện mà học sinh đã được ôn tập kĩ càng.

“Nhìn chung, đề nhẹ nhàng, các câu hỏi không quá khó, đều nằm trong phạm vi chương trình Ngữ văn 9. Các thí sinh ôn tập chu đáo, có kiến thức chắc chắn và kĩ năng làm bài tốt sẽ không gặp khó khăn với đề thi này. Mặt bằng chung điểm số đề Văn chung có thể sẽ cao.” - Thầy Hùng nhận định.

Cùng quan điểm với thầy Hùng, cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Phổ thông liên cấp Wellspring cho biết: “Đề thi có trọng tâm kiến thức vào chương trình Ngữ văn lớp 9, kiểm tra toàn diện kiến thức và kĩ năng của học sinh về đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Phần I, ngữ liệu là văn bản "Chiếc lược ngà" quen thuộc với các câu hỏi về tác giả, tác phẩm, kiến thức Tiếng Việt liên quan đến lời dẫn trực tiếp, riêng câu hỏi cảm thụ chi tiết khá hay để học sinh lí giải liên quan đến tâm trạng cảm xúc của nhân vật. Phần II, Làm văn, câu hỏi cơ bản và học sinh có thể triển khai ý tương đối dễ dàng về chủ đề tình cảm gia đình, câu hỏi nghị luân văn học cảm nhận về khổ 4-5 bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" vừa sức với học sinh. Nhìn chung đề thi không có câu hỏi quá khó lắt léo nhưng có thể đánh giá toàn diện kĩ năng.”


Đề thi môn Toán

Nhận định chung về Đề thi môn Toán của Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn mà thí sinh vừa làm chiều nay, thầy Hồng Trí Quang, giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: “Đề thi khá nhẹ nhàng và phù hợp với đề điều kiện cho thí sinh thi vào chuyên Văn, Sử, Địa. Đề thi có thời gian làm bài 60 phút với 3 câu hỏi lớn có điểm cụ thể. Trong đó, có 5 ý quen thuộc với học sinh gồm: Hệ phương trình - đặt ẩn phụ; Phương trình vô tỉ - phân tích thành nhân tử; Câu hỏi về sử dụng định lí viet và 2 ý hình cơ bản. Tuy đề thi nhẹ nhàng nhưng với thời gian ngắn sẽ là áp lực rất lớn với học sinh. Chính vì vậy, học sinh nắm chắc kiến thức cùng với việc ôn tập và giải bài nhuần nhuyễn, phân bổ thời gian hợp lý mới có thể đạt điểm cao. Mức điểm phổ biến sẽ vào khoảng 5 – 7 điểm.”

Thầy Phạm Ngọc Hưng, giáo viên Toán tại HOCMAI cũng cho biết: “Đề thi đều là các bài toán khá đơn giản, sử dụng kiến thức cơ bản là có thể giải được. Tuy nhiên, với thí sinh thi vào các lớp chuyên xã hội cùng với thời gian thi ngắn, lượng bài nhiều là một yếu tố bất lợi lớn cho học sinh. Học sinh cần tính toán nhanh, trình bày nhanh mới có thể hoàn thành các câu hỏi trọn vẹn.”


 Đề thi môn Tiếng Anh

Thầy Nguyễn Trung Nguyên – giáo viên Tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI:

“Đề thi cập nhật các vấn đề xã hội nóng hiện nay, đặc biệt là nội dung dịch Covid-19”

Nhìn chung, đề thi khá “dễ chịu” đối với những học sinh đầu tư vào môn Anh và thi chuyên. Đối với những học sinh không chuyên thì đề có thể tương đối khó, đặc biệt là khi làm trong thời gian ngắn 60 phút. Đề không có nhiều kiến thức mới, nhưng những kiến kiến thức được mở rộng từ kiến thức cơ bản lại tương đối khó và gây nhầm lẫn. Đề thi này cũng cập nhật các vấn đề xã hội nóng hiện nay, đặc biệt là dịch Covid-19. Nếu học sinh chỉ tập trung vào các môn chuyên của mình mà lơ là tiếng Anh thì khó đạt điểm trên trung bình.

Cụ thể từng phần như sau:

Phần ngữ âm có lẽ là phần dễ lấy điểm nhất trong đề thi. Riêng phần trọng âm thì khó hơn đôi chút vì có một số từ gây nhầm lẫn.

Phần từ đồng nghĩa và trái nghĩa cũng tương đối dễ, chỉ có một câu “over the moon” là khó vì đây là cách diễn đạt theo “nghĩa bóng”, là kiến thức học sinh phải học bên ngoài.

Phần điền từ hoàn thành đoạn văn và đọc hiểu là phần khó nhất, chủ đề và từ vựng đều khó, câu hỏi dài vì vậy nếu học sinh không chuẩn bị kỹ cho môn Tiếng Anh thì tỷ lệ “làm may rủi” là gần như 100%.

Dạng bài tìm lỗi sai cũng là phần khó (chỉ dễ hơn phần đọc hiểu), đặc biệt là những câu  11 và 13 (mã đề 888) cần học sinh hiểu chắc ngữ pháp mới có thể làm được.

Phần kiểm tra ứng dụng tiếng Anh trong giao tiếp (hồi đáp lại câu cho trước) cũng phức tạp và yêu cầu học sinh nắm chắc kiến thức, kỹ năng mới có thể giành điểm. Với dạng bài chuyển đổi câu sao cho nghĩa không đổi không quá phức tạp vì cấu trúc học sinh đã học trên lớp nhưng lại có nhiều câu gây nhầm lẫn và bối rối như câu 44. Còn phần nối câu lại khó với những học sinh không chuyên.

Nhìn chung, đề thi có tính cập nhật các vấn đề xã hội nóng. Điều này tạo nên cái hay, cái hấp dẫn của đề thi. Tuy nhiên, với thời gian 60 phút và đề cho học sinh thi vào các lớp chuyên Văn, Sử, Địa thì đây là một đề tương đối khó. Phổ điểm phổ biến dự kiến sẽ từ 4 đến 6, điểm 7-8 sẽ hiếm hơn, còn 9-10 thì sẽ rất hiếm.


Đề thi môn Ngữ văn (Chuyên):

Cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên Ngữ văn – Hệ thống Giáo dục HOCMAI:

Đề thi nặng lí luận, đảm bảo phân hóa, tuyển chọn thí sinh vào chuyên Văn”

Đề thi chuyên Văn Trường THPT Chuyên KHXH&NV có hình thức đề thi quen thuộc so với cấu trúc thi chuyên, gồm 2 phần, một phần Nghị luận xã hội, một phần Nghị luận văn học.

Phần nghị luận xã hội(4 điểm): Đề hướng về  một vấn đề rất thực tế: cơ hội thể hiện bản thân, tuy nhiên lại chủ yếu yêu cầu bàn luận về tác động của người khác trong việc thể hiện cái tôi cá nhân. Tất nhiên có tác động tiêu cực, có tác động tích cực, vấn đề là chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng của tác động đó như thế nào, có biết phân tích để lựa chọn đúng sai hay không mới không đánh mất cơ hội thể hiện bản thân.

Câu hỏi yêu cầu học sinh có chính kiến, phải biết phản đề và bảo vệ quan điểm của mình. Thao tác lập luận bác bỏ sẽ rất hữu ích với đề này. Học sinh sẽ gặp khó khăn trong việc lấy dẫn chứng. Học sinh bên cạnh việc biết lập luận, cần có hiểu biết thực tế, cần sự già dặn trong tư duy của thí sinh mới có thể đáp ứng được yêu cầu đề.

Phần nghị luận văn học (6 điểm): Đề đưa ra một nhận định trong Tạp chí Văn nghệ Quân đội tháng 9/1973. Nội dung hướng đến hai vấn đề là giá trị hình thức và vai trò của tác phẩm nghệ thuật thơ. Trong đó hướng đến yếu tố: giá trị nhận thức, giá trị giáo dục và giá trị thẩm mỹ. Tuy nhiên thơ khác với văn xuôi ở sự tác động tinh tế, nhẹ nhàng và phải cảm nhận một cách dài lâu để từ từ thấm, hiểu và tiếp nhận để “tự bước đi trên con đường của chính mình” (Nguyễn Đình Thi). Đề hơi yêu cầu cao về vấn đề lý luận: giá trị văn học và tiếp nhận văn học; đây cũng là một yêu cầu khó đối với học sinh lớp 9. Nội dung bao quát, kiến thức cần sự sâu rộng, học sinh phải học kĩ bài “Tiếng nói của văn nghệ”  và có vốn thơ phong phú mới có đủ lực để thực hiện đề NLVH

Nhìn chung, đề Văn Chuyên KHXH & NV năm nay kiểm tra khá sâu kiến thức lí luận và vốn văn học của học sinh. Các câu hỏi không lắt léo hay đánh đố nhưng đều có độ khó cao. Muốn hoàn thành tốt bài làm, các em không chỉ cần nắm chắc những kiến thức trong chương trình học, mà cần có kiến thức thực tế, đồng thời kĩ năng làm bài phải thành thạo, nhuần nhuyễn, nhất là nghệ thuật lập luận. Với đề thi này, nhiều bạn sẽ cảm thấy “khó thở” vì mình khó có thể hoàn thành tốt đa các yêu cầu của đề thi, điểm 5-6 sẽ phổ biến.

Thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cũng chia sẻ: Đề Văn chuyên  của Trường THPT chuyên KHXH&NV có cấu trúc giống với các đề thi vào trường Chuyên của Sở GD-ĐT Hà Nội cũng như Chuyên Sư phạm. Câu nghị luận xã hội với vấn đề nghị luận không mới nhưng cách đặt vấn đề dưới dạng câu nghi vấn cùng với mối quan hệ đối sánh lắng nghe - thể hiện, sẽ cho phép thí sinh được tự do thể hiện quan điểm cá nhân với những góc nhìn riêng, sâu sắc, toàn diện. Với câu nghị luận văn học, để làm tốt thí sinh trước hết phải giải thích được vấn đề, hiểu được vai trò, mối quan hệ giữa hai mặt hình thức và nội dung của tác phẩm thơ ca. Để rồi từ đó, chứng minh lời nhận định thông qua một (một số) bài thơ đã học, đã đọc. Để làm được điều đó, học sinh không chỉ có kiến thức chắc chắn về các tác phẩm trong chương trình học trên lớp, còn phải nắm được những khái niệm cơ bản về lí luận văn học, có kĩ năng tổng hợp, so sánh. Nhìn chung lại, đề thi văn chuyên của Chuyên KHXH và NV có khả năng phân hoá tốt, giúp chọn được những thí sinh vừa chắc kiến thức, thạo kĩ năng, đồng thời lại có năng lực cảm thụ văn chương, làm tiền đề cho quá trình học chuyên sau này.

loadding
UP