Giám đốc Học thuật Học viện Tranh biện và Hùng biện Việt Nam (VADP) từng làm giám khảo cho vòng Bán kết giải Tranh biện Thái Lan mở rộng 2018, giải Vô địch Trung Quốc 2017 trưởng ban tổ chức giải Vô địch châu Á 2019 và huấn luyện viên, giảng viên cho chương trình Debate TH School 2021, Debate Well Spring International School 2018, Debate Trường Teen VTV7...
Trước khi "cầm cân nảy mực" ở nhiều cuộc thi hùng biện tiếng Anh, anh từng chinh chiến trên các đấu trường quốc tế một thời gian dài với nhiều thất bại đáng nhớ.
Anh Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Học thuật Học viện Tranh biện và Hùng biện Việt Nam VADP
- Tốt nghiệp Học viện Ngoại giao, cơ duyên nào mang anh đến với nghề hùng biện, tranh biện và giảng dạy?
- Đây có lẽ cũng là một lựa chọn khác với số đông. Trước đây mình chưa từng nghĩ đến việc đi theo con đường trở thành diễn giả, hùng biện hay giảng dạy các bộ môn liên quan đến hùng biện tiếng Anh. Nhưng sau một lần ra nước ngoài tham dự cuộc thi Olympic tiếng Anh Châu Á năm 2015 - 2016, mình nhận thấy bạn trẻ Việt Nam khi ra nước ngoài thi đấu các bộ môn liên quan đến tiếng Anh gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở. Các bạn thiếu sự tự tin, khả năng giao tiếp ngoại ngữ, đặc biệt là phong cách thể hiện có phần bảo thủ.
Từ thời điểm đó, mình rất mong muốn mang phong cách phóng khoáng, sự tự tin, tư duy mở về cho sinh viên Việt. Sau đó, mình quyết định trở về mang theo những bài học kinh nghiệm "đắt giá" để chia sẻ cho mọi người. Cứ như vậy, mình theo nghề này đến giờ.
- Với những thành tích đã đạt được, anh nhận định thế nào về con đường thành công của mình?
- Thực sự đối với mình, một trang CV là 10 trang nước mắt bởi vì không một trang nào có thể kể hết được những câu chuyện phía sau đó. Để có được những thành tích như vậy, mình đã có rất nhiều ngày tháng khó khăn rong ruổi một mình ở các cuộc thi nước ngoài để học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm từ bạn bè, thầy cô. Những ngày tháng cô đơn và cảm giác "đơn thương độc mã" thật sự không dễ dàng vượt qua.
Anh Vũ Anh Tuấn đã từng làm giám khảo tại nhiều cuộc thi hùng biện tiếng Anh trong nước và quốc tế
- "Thất bại" nào khiến anh nhớ nhất?
- Đó là lần đầu tiên mình ra nước ngoài tham dự giải vô địch châu Á. Lúc đó, mình rất tự tin vì bản thân khá giỏi rồi, mỗi lần lên nói là hội trường phía dưới sẽ "ồ, à" lên. Nhưng đến cuộc cuộc thi này, mình rất kinh ngạc khi nghe bài trình bày của đối thủ. Khi nhận được ý kiến của ban giám khảo, mình mới nhận ra bản thân còn nhiều lỗ hổng, lỗi sai đến độ khó tin. Sau này, dù với vai trò là thí sinh hay giám khảo, mình vẫn luôn mang theo tinh thần không ngừng học tập, không ngại hỏi.
- Anh đánh giá thế nào về trình độ tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp của học sinh Việt Nam?
- Người Việt Nam mình coi tiếng Anh là một loại ngoại ngữ, vì thế tần suất luyện tập và thực hành của học sinh là rất ít. Ngay cả chương trình dạy trên lớp cũng không dành nhiều thời lượng cho kỹ năng nghe - nói. Các kỳ thi tuyển sinh vào 10, thi Đại học cũng chỉ chú trọng kỹ năng viết và ngữ pháp. Vì thế, các bạn mới chỉ dừng lại ở việc biết dùng tiếng Anh nhưng không có sự tự tin trong giao tiếp.
- Theo anh, giỏi hùng biện tiếng Anh nói riêng và giỏi tiếng Anh nói chung sẽ đem đến những điều thuận lợi gì cho các bạn học sinh?
- Theo mình, việc giỏi ngoại ngữ là cách để học sinh thoát khỏi tư duy "ao làng" của chính mình, có thể định hướng và phát triển con đường tương lai của mình ra khắp năm châu bốn bể. Đó là lý do nhiều học sinh bây giờ cố gắng có thêm các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL để khẳng định bản thân, cũng như tạo tiền đề thuận lợi để làm việc trong các tổ chức quốc tế hoặc học tập, làm việc ở nước ngoài.
Hiện nay, các bạn trẻ có điều kiện học tiếng Anh hơn trước bởi có rất nhiều hình thức học phù hợp với thời đại, tính cách, sở thích. Ví dụ, các bạn có thể đăng ký học IELTS ngay tại các trung tâm hoặc các khóa học online uy tín như ICAN IELTS, miễn sao phù hợp với bản thân và nhanh chóng đạt được mục tiêu.
- Khó khăn lớn nhất của anh khi giảng dạy bộ môn hùng biện, tranh biện tiếng Anh cho học sinh Việt Nam là gì?
- Tại Việt Nam, hùng biện hay tranh biện được tính là bộ môn ngoài sách giáo khoa, không nằm trong chương trình giảng dạy chính khóa của nhà trường. Vậy nên, tuy nghe, nói là một kỹ năng quan trọng nhưng một số bạn học sinh vẫn chưa thực sự hiểu hay có động lực để học tập, rèn luyện.
Thứ hai là rào cản tâm lý đến từ chính các bạn. Mình có thể hướng dẫn các bạn cách dễ dàng để cải thiện hạn chế về kỹ thuật. Tuy nhiên, với sự thiếu tự tin trong giao tiếp tiếng Anh, mình cũng như các đồng nghiệp cần rất nhiều biện pháp khách nhau.
- Anh nhận định thế nào về những sân chơi chuyên nghiệp cho hùng biện tại Việt Nam?
- Trước đây, chúng ta không có nhiều sân chơi chuyên nghiệp cho hùng biện tiếng Anh. Các cuộc thi cũng chỉ chú trọng đến bề nổi là nói tốt, chưa thực sự quan tâm đến nội dung. Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam đã có thêm rất nhiều cuộc thi chuyên nghiệp với mô hình mở, không chỉ giúp học sinh có thêm kinh nghiệm, kỹ năng, mà còn khuyến khích sáng tạo, thể hiện tư duy, quan điểm.
Nhiều cuộc thi hùng biện tiếng Anh được tổ chức nhằm tạo sân chơi giáo dục cho học sinh, sinh viên
- Sắp tới, anh có dự định, kế hoạch nào đáng chú ý?
- Mình sẽ đảm nhận vai trò Giảng viên khóa học hùng biện kiêm Giám khảo vòng 2 tại Speak To Lead mùa 2 - cuộc thi lớn dành cho học sinh THPT trên toàn quốc. Các em sẽ có cơ hội tranh tài, thử sức với hùng biện tiếng Anh. Chương trình sẽ tặng 5 suất tham dự chương trình Thủ lĩnh Đông Nam Á tại Mỹ do Đại sứ quán Mỹ tài trợ. Mình thực sự hy vọng các bạn có thể đem tiếng nói của người trẻ Việt Nam ra thế giới.
- Trên cương vị ban giam khảo, anh đánh giá dựa trên các tiêu chí nào?
- Tiêu chí lớn nhất của mình là sự sáng tạo, không bó hẹp ở trong khuôn mẫu. Các bạn cũng không cần quá chú trọng vào các kỹ thuật như giao tiếp ánh mắt, ngôn ngữ cơ thể. Điều mình muốn nghe là thông điệp và đặc biệt là cách trình bày cần hấp dẫn, lôi cuốn người nghe.
Thực sự, mình không có hình mẫu về một thí sinh hoàn hảo và luôn bắt đầu chấm thi với bộ não trắng, luôn chờ đợi và hạnh phúc đón nhận tất cả những gì thí sinh mang đến.
- Cuộc thi Speak to Lead cũng đã bắt đầu khởi chạy, anh có lời khuyên gì muốn gửi tới cho các bạn thí sinh không?
- Có hai điều quan trọng mình nghĩ các bạn cần chú ý. Thứ nhất là chuẩn bị kỹ lưỡng vì "đổ nhiều mồ hôi trên thao trường, sẽ ít phải đổ máu trên chiến trường". Thứ hai là thông điệp truyền tải phải văn minh và đầy đủ. Cuối cùng, các bạn hãy nghĩ đây là một trải nghiệm nhiều hơn là một cuộc thi để có thể thể hiện bản thân tốt nhất.
Tiếp nối sự thành công của cuộc thi hùng biện tiếng Anh "Speak to Lead" mùa một, Đại sứ quán Mỹ tiếp tục phối hợp với Hệ thống Giáo dục HOCMAI và Đại học Hà Nội tổ chức mùa hai dành cho học sinh tại các trường THPT chuyên trên toàn quốc. Tất cả các thí sinh tham gia cuộc thi sẽ được BTC tặng khóa học hùng biện trị giá hơn 100 triệu đồng do anh Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Học thuật Học viện Tranh biện và Hùng biện Việt Nam VADP trực tiếp giảng dạy. |