Đó là thông tin TS. Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh do Hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp cùng các trường đại học tổ chức.
Bổ sung xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ quốc tế
Tại chương trình tư vấn, TS Kiều Xuân Thực cho biết, trong mùa tuyển sinh năm 2021 trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội có 3 phương thức tuyển sinh.
Phương thức thứ nhất, xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Phương thức này nhà trường tuyển sinh 6750 chỉ tiêu. Các tổ hợp xét tuyển vẫn ổn định như năm 2020.
Đại học Công nghiệp Hà Nội không giới hạn chỉ tiêu tuyển thẳng
Phương thức thứ hai, tuyển thẳng các đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Với phương thức này, nhà trường không hạn chế chỉ tiêu. Cụ thể, nhà trường tuyển thẳng không giới hạn đối với các em học sinh là thành viên đội tuyển thi Olympic quốc tế, các em học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba kì thi học sinh giỏi Quốc gia; các em học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba kì thi khoa học kĩ thuật cấp Quốc gia.
Phương thức thứ ba, xét tuyển đối tượng có chứng chỉ quốc tế hoặc đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố. Cụ thể, nhà trường xét tuyển thẳng các em đoạt giải Nhất, Nhì, Ba học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố và có chứng chỉ quốc tế IELTS, TOEFL, SAT, Cambridge test. Với phương thức này nhà trường có 350 chỉ tiêu.
Thầy Thực cho biết thêm, đối với trình độ đại học, hiện nay nhà trường đang tổ chức tuyển sinh đào tạo 40 ngành thuộc các lĩnh vực kĩ thuật, kĩ thuật công nghệ, máy tính và công nghệ thông tin, kinh tế quản lí, dịch vụ, ngôn ngữ, sản xuất chế biến,...
“Một số ngành mà chúng tôi thấy rằng những năm gần đây có điểm chuẩn cao và thu hút được nhiều thí sinh có kết quả học tập tốt tham gia đăng kí xét tuyển có thể kể đến như: Cơ điện tử, Điều khiển tự động hoá, Công nghệ thông tin, Cơ khí, điện, ô tô. Những ngành mà thường có điểm chuẩn dao động từ 24-26 điểm và tỉ lệ có việc làm của những ngành này sau khi tốt nghiệp thường rất cao, có những năm lên đến 100%”, thầy Thực chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhà trường còn có các ngành về lĩnh vực kinh tế quản lí, ngôn ngữ, dịch vụ, du lịch và khách sạn với dải điểm đầu vào phần lớn dao động từ 21-23 điểm, phù hợp với những học sinh có học lực khá, hoặc ở ngưỡng giữa khá và giỏi.
Những năm gần đây, nhà trường thu hút khoảng từ 65.000 - 70.000 thí sinh đăng kí xét tuyển với trên 100.000 nguyện vọng.
Chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO
Về chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO, TS. Nguyễn Văn Thành, Giám đốc trung tâm Hợp tác doanh nghiệp - ĐH Công nghiệp cho biết, đây là chương trình mà nhà trường hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng chuẩn đầu ra cũng như là nội dung đào tạo.
“Chúng tôi có mời các chuyên gia từ các doanh nghiệp đến để tham gia đóng góp ý kiến và nhà trường cũng trực tiếp đến các doanh nghiệp khảo sát, lấy ý kiến của doanh nghiệp trong việc cải tiến các chương trình. Doanh nghiệp cũng có thể tham gia vào quá trình đào tạo, tham gia một phần vào quá trình giảng dạy”, thầy Thành nêu rõ.
Với chương trình này, sinh viên của nhà trường ngoài việc được các doanh nghiệp đến để tổ chức những buổi hội thảo về chuyên môn còn được tham quan, thực tập thực tế tại doanh nghiệp. Hiện nay trong chương trình đào tạo do nhà trường thiết kế, 100% các chương trình đều yêu cầu ngoài thực tập cơ sở ngành, thực tập chuyên ngành thì bắt buộc phải có phần thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp từ 8-10 tuần. Toàn bộ thời gian này nhà trường đưa sinh viên đến các doanh nghiệp để tiếp cận thực tiễn, có sự tham gia của doanh nghiệp cùng với các giáo viên của nhà trường giảng dạy và hướng dẫn sinh viên.
Theo thầy Thành, ưu điểm của chương trình này là giúp sinh viên được bổ sung kiến thức về doanh nghiệp, được tiếp cận công việc thực tiễn. Kiến thức đó ngoài việc bổ sung vào chương trình đào tạo cho sinh viên thì cũng là thuận lợi giúp các em khi ra trường có thể vào làm việc ngay trong các doanh nghiệp đó.
Cơ hội học và nhận song bằng, cơ hội chuyển ngành
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Thực cho biết, sau năm thứ nhất, sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội có thể đăng kí thêm 1 ngành học nữa để khi tốt nghiệp nhận được 2 bằng. Điều kiện để đăng kí là sinh viên đạt mức học lực trung bình trở lên.
“Trong trường hợp sinh viên chọn học 2 ngành cùng khối thì khối lượng tín chỉ mà các em phải học thêm để lấy bằng thứ 2 là rất ít, chiếm khoảng 30-40%. Nhưng nếu chọn 2 ngành khác khối thì các em phải học thêm khoảng 70% tín chỉ. Đến năm 2020, có khoảng 50 sinh viên đã lấy 2 bằng tại trường, trong thời gian học khoảng 4,5 - 5 năm. Việc học song bằng sẽ giúp sinh viên có thêm nhiều cơ hội việc làm và có thể làm việc ở những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, thầy Thực phân tích.
Bên cạnh đó, từ năm 2018 nhà trường có áp dụng quy định sau khi học xong năm thứ nhất, nếu sinh viên cảm thấy không thích hoặc không phù hợp với ngành mà mình đang theo học thì có thể đăng kí chuyển qua một ngành học khác. Đây là quy định nhằm tạo thêm điều kiện cho sinh viên có cơ hội thay đổi ngành học, thay vì ôn thi và thi lại từ đầu.
Cuối chương trình tư vấn, thầy Thực cũng chia sẻ thêm một số thông tin về mức học phí của nhà trường để phụ huynh và các em học sinh tham khảo. Theo đó, năm học 2021-2022, mức học phí trung bình của Đại học Công nghiệp Hà Nội là 18,5 triệu đồng/năm học, và những năm sau tăng ko quá 10%. Mức cụ thể từng ngành phụ thuộc vào tỉ lệ thực hành thí nghiệm cao hay thấp. Ngành có mức học phí thấp nhất hiện nay trong trường là 16 triệu/năm, ngành cao nhất khoảng 21 triệu/năm. Tổng học phí cho cả khóa học cũng ko cao, dao động khoảng 80-90 triệu/khóa. Mức học phí cụ thể của mỗi sinh viên còn viên phụ thuộc vào khối lượng đăng kí tín chỉ học tập của từng em.
Theo Tuổi trẻ Thủ đô