Đại học Luật Hà Nội mở rộng đối tượng xét tuyển

05:50 09/04/2021

Trường Đại học Luật Hà Nội bổ sung đối tượng nhưng giữ nguyên phương thức xét tuyển nhằm mở rộng cơ hội cho học sinh trong năm 2021.

Chia sẻ trong Tư vấn tuyển sinh 2021, chương trình do Hệ thống Giáo dục HOCMAI và các trường đại học tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Triều Dương, Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Luật Hà Nội cho biết, phương thức tuyển sinh năm 2021 của nhà trường cũng gần giống phương thức tuyển sinh của năm 2020.

Theo đó, nhà trường vẫn tiến hành 3 phương thức tuyển sinh: xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục - Đào tạo; xét trên cơ sở kết quả học bạ của năm lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12 cho 2 nhóm (nhóm trường chuyên, trường trọng điểm quốc gia và nhóm trường thường); xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.

Giảng viên trường ĐH Luật Hà Nội cùng học sinh trong ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp

Theo ông Dương, năm nay trường Đại học Luật Hà Nội dự kiến dành 30% chỉ tiêu để xét tuyển thẳng và xét tuyển học bạ dành cho học sinh trường THPT Chuyên, 10% dành cho trường thường. Còn lại 60% chỉ tiêu dành để xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, đề án tuyển sinh năm 2021 có một số điểm mới:

Thứ nhất, trường Đại học Luật Hà Nội bổ sung thêm đối tượng xét tuyển đối với các thí sinh dự các vòng thi tháng, quý, năm của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.

Thứ hai, nhà trường mở rộng điểm tối thiểu để xét tuyển cho các tổ hợp. Khi tiến hành xét tuyển trên cơ sở học bạ, điểm mỗi môn trong tổ hợp trung bình chung được nhà trường giảm 0,5 điểm. Như vậy, nhóm xét tuyển trên học bạ được nhà trường mở rộng ra.

"Tôi cho rằng đây là lợi thế với các em, vì gần như đến thời điểm này các em đã có kết quả thi học kỳ I năm lớp 12. Căn cứ vào đó, học sinh có thể đối chiếu với đề án tuyển sinh của trường và trước kỳ thi THPT Quốc gia. Các em gần như có thể xác định bản thân đã đỗ vào trường Đại học Luật hay không", ông Dương nói thêm.

Cuối cùng, trường có thay đổi chuẩn quy đổi ngoại ngữ. Đối với những em có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, mức độ quy đổi cũng giảm xuống để kết quả cuối cùng cao hơn.

Dự kiến trong tháng 3, trường Đại học Luật Hà Nội sẽ có thông báo của đợt xét đầu tiên. Tiến sĩ Nguyễn Triều Dương cho biết thêm, trường sẽ sẽ thực hiện việc xét lần một và xác định số lượng các em trúng tuyển. Nếu sau khi nhập học, số sinh viên trúng tuyển đợt này chưa đáp ứng được yêu cầu, ĐH Luật Hà Nội sẽ gia hạn cho đợt xét tiếp theo để mở rộng cơ hội cho học sinh khác có kết quả học tập năm lớp 10, 11 và học kỳ I năm lớp 12 xứng đáng để xét vào trường.

Chỉ tiêu tuyển sinh và các ngành đào tạo

Đại học Luật Hà Nội tuyển 2000 chỉ tiêu cho cả 4 ngành, giảm 265 chỉ tiêu so với năm 2020. Theo ông Lê Đình Nghị - Phó hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội, trường giảm chỉ tiêu nhằm tập trung nâng cao chất lượng đào tạo với phương châm "chất lượng cao tạo nên giá trị bền vững". Sự thay đổi về chỉ tiêu tuyển sinh của hệ chính quy cũng dẫn đến việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng thứ 2 đại học chính quy và hệ vừa làm vừa học.

Tiến sĩ Lê Đình Nghị, sinh viên Bùi Khánh Thuỳ và tiến sĩ Nguyễn Triều Dương (từ trái sang phải) trong chương trình Tư vấn tuyển sinh 2021

Trong buổi tư vấn, Tiến sĩ Lê Đình Nghị cũng cho biết, hiện tại Đại học Luật Hà Nội đang đào tạo 4 mã ngành: Luật; Luật kinh tế; Luật thương mại quốc tế và Ngôn ngữ Anh chuyên ngành Tiếng Anh pháp lý. Trong đó, hai ngành thu hút sự quan tâm nhiều nhất từ các em học sinh là luật Kinh tế và luật Thương mại quốc tế. Đại học Luật Hà Nội có thế mạnh đào tạo hai ngành này.

Riêng ngành Ngôn ngữ Anh chuyên ngành Tiếng Anh pháp lý, trường đã đào tạo 5 năm. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này không chỉ có trình độ ngôn ngữ mà còn có kiến thức, kỹ năng liên quan đến luật. Ngoài ra, trường còn liên kết với Đại học Arizona (Mỹ) để đào tạo chuyên ngành luật.

Bên cạnh đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp cử nhân có thể học lên cao hơn với các chương trình cao học. Hiện, trường đào tạo 7 chuyên ngành ở cả bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ. "Có thể nói Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo luật duy nhất ở Việt Nam có đầy đủ tất cả các chuyên ngành đào tạo bậc thạc sĩ và tiến sĩ", ông Nghị chia sẻ thêm.

Khoảng 4 năm trở lại đây, trường có tổ chức đào tạo cho sinh viên có thể học cùng lúc hai chương trình khi sinh viên có thể đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của nhà trường và phù hợp với quy chế của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Sau khi tốt nghiệp sinh viên đó sẽ được nhận hai văn bằng.

Mức học phí và chính sách hỗ trợ dành cho sinh viên

Tại buổi tư vấn, ông Lê Đình Nghị cung cấp một số thông tin về mức học phí của Đại học Luật Hà Nội. Theo ông, nếu so với mặt bằng chung, mức học phí của trường ĐH Luật không quá cao. Hiện nay, trường vẫn áp dụng mức học phí theo quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ, mỗi năm lộ trình tăng không quá 10%.

Tập thể giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ những thông tin hữu ích cho các em học sinh tại buổi Tư vấn tuyển sinh

Bên cạnh đó, nhà trường có chính sách cấp học bổng nhằm khuyến khích học tập cũng như hỗ trợ cho sinh viên giỏi, có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc gặp những điều kiện bất lợi trong quá trình học tập tại trường.

Ngoài việc áp dụng trích lục quỹ học bổng theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, trường còn xây dựng quỹ học bổng từ nguồn đóng góp của các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, cựu sinh viên... để hỗ trợ sinh viên trong quá trình theo học tại trường.

Chương trình đào tạo của nhà trường áp dụng cho các khóa tuyển sinh hai năm gần đây đã quy định thực tập là một trong những tín chỉ bắt buộc cho sinh viên Luật. Ông Nghị cho biết, đây là một yêu cầu rất quan trọng để đưa việc đào tạo luật gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo lý thuyết và thực tiễn, bổ sung kiến thức, kỹ năng thực hành cho sinh viên.

Quy trình thực tập của sinh viên Đại học Luật Hà Nội như sau: Nhà trường sẽ có thông báo về kế hoạch để sinh viên đăng ký thực tập. Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký thực tập, nhà trường sẽ tạo cơ hội cho các em bằng cách cấp giấy giới thiệu nhằm kiểm soát quá trình thực tập.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng làm việc với các đơn vị để quá trình đưa sinh viên đi thực tập thuận lợi hơn. Sinh viên không tự liên hệ được, nhà trường sẽ có trách nhiệm và ký kết với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động để có các địa điểm thực tập thường xuyên, tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên.

Xem đầy đủ thông tin tư vấn tuyển sinh của trường Đại học Luật Hà Nội tại đây.

Chương trình Tư vấn tuyển sinh năm 2021 do Hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp với các trường đại học tổ chức có chủ đề "Lựa chọn đúng trường đại học mơ ước". Chương trình mang đến những thông tin tuyển sinh mới nhất, hữu ích về các chương trình đào tạo, cơ hội học tập, nghề nghiệp dành cho sinh viên khi theo học tại các trường đại học.

Mỗi số phát sóng của chương trình sẽ được công chiếu trực tiếp tại fanpage Hệ thống Giáo dục HOCMAI và fanpage Hocmai.vn.

loadding
UP