"Học Thông Minh" là chương trình do Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự sáng lập và làm diễn giả chính. Đây là chuỗi chương trình phi lợi nhuận vì cộng đồng triển khai từ tháng 12 tại nhiều điểm trường ở các tỉnh, thành phố trên cả nước và nhận được sự quan tâm, đón nhận của hàng nghìn học sinh, giáo viên.
Hiện thực hóa phương pháp học tập tiên tiến
Bằng cách tổ chức thử nghiệm tại các điểm trường: Phổ thông liên cấp Thực Nghiệm tại Hà Nội (16/9/2018), Trường PTCS Chuyên Nguyễn Du (12/10/2018) và Trường THPT Chuyên Lam Sơn (27/10/2018), chương trình hội thảo "Học thông minh" đã mang đến cho học sinh cũng như giáo viên các phương pháp học tập mới, tác dụng thiết thực tới quá trình dạy và học. Ngay trong quá trình thử nghiệm, hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn một nghìn học sinh và giáo viên, đồng thời, nhận được sự ủng hộ lớn từ nhà trường.
Diễn giả Nguyễn Thành Nam chia sẻ với học sinh tại hội thảo
Sau giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện nội dung của hội thảo, kể từ tháng 12, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam đã hợp tác với Hệ thống Giáo dục HOCMAI - một trong những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến tại Việt Nam để đồng hành tổ chức chương trình này.
Tại các hội thảo, một loạt phương pháp như: kỹ năng ghi chép thông minh, ghi chép nâng cao bằng công cụ tư duy, kỹ thuật ghi nhớ và vận dụng kỹ thuật ghi nhớ vào môn học cụ thể, kỹ năng đọc sách hay tiếp thu thông tin qua sách báo, phương pháp tự học qua Internet... đã được chuyển tải và mở ra góc nhìn mới cho giáo viên, học sinh.
Hội thảo được nhiều trường phổ thông cả nước chủ động mời về tổ chức. Hiện có thêm 3 hội thảo được tổ chức miễn phí tại các điểm trường, thu hút sự quan tâm và tham dự của hơn hai nghìn học sinh và giáo viên, gồm: THPT Yên Bình (Định Hóa, Thái Nguyên), THPT Quảng Xương 1 và Quảng Xương 4 (Thanh Hóa).
Kể về hành trình tìm ra ý tưởng xây dựng chương trình hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam cho biết, từ lâu, ông đã theo đuổi nghiên cứu và ấp ủ ý định mang phương pháp học tập tiên tiến trên thế giới đến gần với học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, ý tưởng về xây dựng chương trình hội thảo Học thông minh thực sự nảy mầm từ thời điểm ông được mời làm cố vấn về phương pháp học tập cho chương trình truyền hình thực tế "Học sao cho tốt?" phát sóng hàng tuần trên kênh Truyền hình Giáo dục Quốc Gia VTV7, Đài Truyền hình Việt Nam.
Trong thời gian này, ông có cơ hội làm việc với các chuyên gia giáo dục đến từ Nhật Bản, đặc biệt là Giáo sư Haruo Kurokami, một chuyên gia đầu ngành của về các phương pháp học tập của Trường Đại học Kansai. Nhận thấy một số phương pháp và kỹ thuật học tập khoa học được áp dụng rộng rãi và hiệu quả tại các trường phổ thông của Nhật Bản rất phù hợp với học sinh Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu thêm các phương pháp học tập của nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Giao lưu và giải đáp trực tiếp tại hội thảo khiến học sinh rất hứng thú
Trên cơ sở học hỏi, tham khảo và điều chỉnh cho phù hợp với nền tảng của học sinh Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam quyết định triển khai chương trình hội thảo "Học thông minh" với mong muốn phổ biến rộng rãi và mang các phương pháp học tập khoa học tới gần hơn với học sinh, giáo viên các cấp học; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại Việt Nam.
"Mỗi hội thảo đi qua, chúng tôi mong mọi người sẽ biết đến các phương pháp này, 10% có thể áp dụng ngày và một số ít trong số 10% có thể trở thành hạt nhân trong việc áp dụng nhuẫn nhuyễn để tạo ra sức lan tỏa với xung quanh. Mưa dầm thấm lâu, đến một thời điểm nhất định, chúng tôi tin sẽ góp phần thay đổi tư duy và cách áp dụng phương pháp học của các em", Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam chia sẻ thêm.
Tiếp tục mở rộng nội dung và phương thức truyền đạt
"Trên cơ sở học hỏi, tham chiếu nhiều phương pháp học tập từ nền giáo dục của các nước phát triển, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện chương trình sao cho phù hợp hơn với điều kiện giáo dục Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục hành trình mở rộng nội dung và phương thức truyền đạt nhằm mang lại lợi ích cho học sinh cũng như các thầy, cô giáo", tiến sĩ Nguyễn Thành Nam cho biết.
Hàng nghìn học sinh và giáo viên tại các điểm trường quan tâm, tham dự chuỗi hội thảo
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, trong năm 2019, từ cơ sở những nhóm kỹ năng lớn đã triển khai, hội thảo tiếp tục mở rộng nội dung theo hướng đào sâu nhiều nội dung nhỏ. Ông Nam ví dụ cụ thể, từ nhóm phương pháp "kỹ năng ghi chép" đã triển khai năm 2018, thời gian tới sẽ mở rộng sang các nhóm kỹ năng nhỏ như: kỹ năng ghi chép trong thảo luận, kỹ năng ghi chép những thông tin có giá trị vô tình gặp được, kỹ năng ghi chép trong sách, truyện hay kỹ năng ghi chép, thu thập thông tin từ internet...
Ngoài ra, hội thảo còn hướng tới giáo viên. Theo đó, nội dung dành cho giáo viên đòi hỏi thiết kế, xây dựng khung nội dung sâu hơn, mở rộng hơn và hướng dẫn các thầy, cô giáo cả cách áp dụng những phương pháp với học sinh như thế nào.
"Hiểu rõ được công cụ này, các thầy, cô sẽ hiểu và áp dụng vào môn học của mình đang giảng dạy; từ đó, có thể tạo ra nhiều học liệu, hướng dẫn học sinh chi tiết hơn", ông Nguyễn Thành Nam cho biết.
Nói về định hướng triển khai chuỗi hội thảo trong năm 2019, ông Phạm Giang Linh, Tổng Giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI - đơn vị chủ trì triển khai hội thảo cho biết sẽ cùng với Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam triển khai tại các điểm trường trên cả nước. Ông cho biết, việc có được tính chủ động tác động rất lớn tới hiệu quả học tập của học sinh. Trong khi, trên thực tế, hầu hết học sinh ít được trang bị những phương pháp học tập bài bản và những công cụ để hỗ trợ cho quá trình học tập. Việc nắm vững các phương pháp này giúp các em chủ động hơn trong việc tiếp cận kiến thức, lựa chọn nguồn thông tin, hỗ trợ tốt cho việc học.
"Với mong muốn hỗ trợ học sinh cũng như giáo viên tiếp cận gần hơn các phương pháp học tập, chúng tôi sẽ đổi mới và làm phong phú hơn về nội dung cũng như cách thức truyền tải thông tin trong các hội thảo. Trong năm tới, chúng tôi sẽ thí điểm thêm các cách thức truyền tải khác như: truyền tới học sinh thông qua một số học sinh có khả năng nắm bắt tốt, truyền đạt tới giáo viên thông qua một số giáo viên trẻ hay truyền đạt tới học sinh thông qua giáo viên", ông Phạm Giang Linh chia sẻ thêm.
Đại diện đơn vị tổ chức - Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam trao quà cho các học sinh tham dự
Người đại diện của đơn vị này cũng cho biết, trong năm 2019, bên cạnh các nội dung chính như khung chương trình đã xây dựng ban đầu, hội thảo sẽ chia sẻ thêm tới các thầy, cô giáo những nội dung như: kỹ thuật trình bày bài giảng điện tử hay những lý thuyết tâm lý học hiện đại cơ bản đang được sử dụng ở nhiều nền giáo dục phát triển (lý thuyết cơ cấu trí khôn, các thang cấp độ tư duy, các khu vực như nhận thức, cảm xúc, hoạt động...) một cách cụ thể và thường thức nhất.
Nguồn: VnExpress.net