Chuyển đổi nội dung giáo dục trực tuyến sang chương trình GDPT mới nên tiến hành như thế nào?

03:11 15/03/2021

Bắt đầu từ năm 2020, chương trình Giáo dục Phổ thông mới đã được triển khai tuần tự từ lớp 1 trên phạm vi toàn quốc và theo kế hoạch thì đến năm 2025 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ sang chương trình GDPT mới.

Tuy nhiên việc chuyển đổi này đã tạo ra rất nhiều khó khăn cho các hệ thống giáo dục trực tuyến (GDTT), nơi mà phương thức dạy học chủ yếu hiện nay vẫn chỉ là thầy giảng giải, trò ghi nhớ kiến thức và vận dụng để làm bài tập. Vậy giải pháp phù hợp và hiệu quả cho các hệ thống GDTT hiện nay là gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Thành Nam - chuyên gia giáo dục đồng thời là giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI - hệ thống GDTT lớn nhất dành cho học sinh phổ thông tại nước ta hiện nay.


Sử dụng hình ảnh minh họa trong video bài giảng mới tại HOCMAI

Thưa ông, đứng trước yêu cầu đổi mới cho chương trình GDPT mới, các hệ thống giáo dục trực tuyến đang gặp phải những khó khăn gì?

- Chúng ta biết rằng, phương thức dạy học chủ yếu ở hầu hết các hệ thống GDTT hiện nay là sản xuất các bài giảng video và đưa lên mạng cùng với hệ thống bài tập và bài kiểm tra đính kèm. Các video bài giảng được tạo ra bằng cách quay lại bài giảng viết phấn của giáo viên trên bảng hoặc ghi lại bài giảng điện tử trên máy tính.

Phương thức dạy học Livestream đang nở rộ có một ưu điểm lớn là cho phép người học tương tác với nhau và tương tác được với giáo viên trong thời gian thực. Tuy nhiên phương pháp dạy học chủ yếu vẫn là thầy giảng giải, trò ghi nhớ và làm bài tập.

Chương trình GDPT mới chuyển sang dạy học theo hướng phát triển năng lực, trong đó đòi hỏi phải đưa rất nhiều các hoạt động thực hành, trải nghiệm vào trong hoạt động dạy học. Thay đổi này đã gây khó khăn lớn cho các hệ thống GDTT, đó là phải giải quyết vấn đề thực hành và trải nghiệm thực tế cho người học như thế nào trên không gian mạng? Nếu vẫn dạy học theo phương thức cũ thì sẽ không đạt được mục tiêu dạy học phát triển năng lực.

Theo ông thì hệ thống GDTT cần thay đổi như thế nào để đáp ứng tốt nhất với yêu cầu dạy học phát triển năng lực trong chương trình GDPT mới?

- Vấn đề này trên thế giới có nhiều cách giải quyết rất hay mà chúng ta có thể học hỏi và vận dụng, cụ thể:

Đưa thêm vào bài giảng các chất liệu mới như hình ảnh, video thực tế, các nội dung mô phỏng sao cho bài giảng trở nên hấp dẫn hơn, hiện đại hơn và gần hơn với cuộc sống.

- Bổ sung các nội dung thực hành và trải nghiệm vào video bài giảng. Các hoạt động này cần phải được mô tả và thực hiện trên Video một cách rất dễ hiểu và học sinh có thể dễ dàng làm theo.

- Giao các nhiệm vụ thực hành, trải nghiệm cho học sinh và tổ chức tốt việc hỗ trợ học sinh trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ này. Phải tiến hành tốt việc nghiệm thu và đánh giá kết quả thực hành, trải nghiệm thực tế của người học qua mạng.

Tóm lại, các hệ thống GDTT cần phải thay đổi toàn bộ việc dạy học, cả về nội dung dạy học, phương pháp dạy học và phương thức đánh giá.

Nếu có thể, xin ông chia sẻ tại HOCMAI, ông và các thầy cô khác đang thực hiện những thay đổi cụ thể nào để đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới?

- Chúng tôi đang tiến hành việc chuyển đổi mạnh mẽ sang chương trình GDPT mới bằng cách triển khai đồng bộ cả ba giải pháp nói trên.

Việc xây dựng nội dung được thực hiện trên cơ sở bám sát theo khung chương trình GDPT 2018, nghiên cứu và vận dụng kinh nghiệm của thế giới trong dạy học phát triển năng lực và cập nhật kịp thời nội dung các bộ sách giáo mới được xuất bản trong nước.

Sử dụng mô phỏng của PhET trong video bài giảng mới tại HOCMAI

Việc cập nhật chất liệu đa phương tiện đã làm bài giảng mới trở nên sinh động và hấp dẫn hơn nhiều so với trước. Để làm mới nội dung bài giảng các môn khoa học, chúng tôi đã đàm phán để được phép sử dụng hệ thống mô phỏng nổi tiếng thế giới PhET Interactive Simulations trong các bài giảng mới của HOCMAI.

Hệ thống các nội dung thực hành được lựa chọn và xây dựng trên ba tiêu chí là dễ hiểu, dễ làm theo, và chi phí thấp để ngay cả học sinh nông thôn cũng có thể mua sắm học liệu để thực hành theo hướng dẫn. Các nội dung thực hành có thể được giáo viên thực hiện ngay tại phòng ghi hình hoặc quay trải nghiệm ngoài thực tế.

Nội dung hướng dẫn thực hành từ video bài giảng mới tại HOCMAI

Nhiều hình thức trắc nghiệm khác nhau cũng đã được đưa vào bài giảng giúp cho việc kiểm tra đánh giá trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Và đặc biệt là cuối bài học, giáo viên sẽ giao nhiệm vụ thực hành, trải nghiệm để học sinh tự thực hiện. Kết quả sẽ được trả lại cho giáo viên dưới nhiều hình thức, có thể là hình ảnh, video do người học tự quay để giáo viên đánh giá và cho điểm.

Công việc chuyển đổi theo chương trình GDPT mới tại HOCMAI sẽ được tiến hành tuần tự theo sát việc triển khai chương trình thực tế tại nước ta.

Xin chân thành cảm ơn sự chia sẻ của ông! Kính chúc ông và HOCMAI sẽ gặt hái được thành công lớn trong sự chuyển đổi sang chương trình GDPT mới!

Theo Báo Lao động

loadding
UP