Học sinh có thể tự làm sản phẩm bằng ngôn ngữ lập trình

04:29 02/12/2019

Theo định hướng tiếp cận mới về thuật toán và lập trình Tin học phổ thông, học sinh có thể tự làm sản phẩm bằng ngôn ngữ lập trình.

Học sinh phổ thông sẽ tự tạo ra sản phẩm số

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình Giáo dục Phổ thông môn Tin học 2018 chính thức áp dụng từ năm học 2020-2021. Trong đó, nội dung thuật toán, cấu trúc dữ liệu và lập trình là các nội dung cơ bản của khoa học máy tính giúp học sinh hình thành và phát triển tư duy, năng lực máy tính. Đó là nền tảng quan trọng để học sinh tìm kiếm, tiếp nhận, sáng tạo tri thức, tạo ra sản phẩm số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 - khi mà nhiều ngành nghề, việc làm mới xuất hiện đòi hỏi kiến thức, kỹ năng tin học chuyên sâu.

Trình bày "Tham luận Một số định hướng, cách tiếp cận và nội dung mới trong Giáo dục Tin học Phổ thông năm 2018" tại Hội thảo Giáo dục Phổ thông môn Tin học do Hệ thống Giáo dục HOCMAI và FUNiX tổ chức tại Hà Nội, Phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm chia sẻ, một trong cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông hiện nay trên các nước đặc biệt là Mỹ, là khoa học máy tính, lập trình và thuật toán. "Tuy nhiên, tại Việt Nam, nội dung học lập trình hiện hành chủ yếu tập trung vào Pascal là nội dung đã cũ và chỉ tập trung dạy ở lớp 8 và lớp 11, kiến thức hàn lâm, học sinh khó tiếp thu", phó giáo sư nhận định.

Phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm - Chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông Tin học 2018.

Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm cũng chia sẻ thêm, việc cho trẻ em học lập trình liên tục trong nhiều tiết, trong cả học kỳ sẽ rất khó. Thay vào đó, cần giúp các em học trong thời gian ngắn, có thể tự làm ra được sản phẩm số để tạo hứng thú, thậm chí các em có thể tự làm ra trò chơi bằng các ngôn ngữ lập trình kéo thả, vì chúng rất đơn giản.

Theo đó, tùy thuộc vào độ tuổi mà học sinh có thể ứng dụng ngôn ngữ lập trình để tạo ra những sản phẩm số khác nhau như trò chơi, ứng dụng, chương trình... Thầy cũng đưa ví dụ, học sinh tiểu học có thể sử dụng ngôn ngữ lập trình trực quan dạng kéo thả Scratch để tạo ra những trò chơi đơn giản như điều khiển một nhân vật chuyển động trên màn hình. Học sinh trung học phổ thông có thể viết ra chương trình điều khiển robot giáo dục hoạt động...

Tạo hứng thú cho học sinh cùng với việc trải rộng độ tuổi học (bắt đầu từ lớp 3 và trải rộng cả 3 cấp học) là hai hình thức tiếp cận mới về thuật toán và lập trình trong chương trình giáo dục phổ thông môn Tin học 2018. Từ lớp 3, học sinh đã học thuật toán, lớp 4, lớp 5 học các câu lệnh lập trình.

Bên cạnh đó, chương trình giáo dục phổ thông Tin học 2018 cũng theo định hướng tiếp cận theo năng lực thay vì tiếp cận theo nội dung như chương trình hiện hành. Tiếp cận theo nội dung tức là định hướng cho học sinh về các nội dung lý thuyết, chưa chú trọng thực hành nhiều. Ngược lại, tiếp cận theo năng lực lại chú trọng vào khả năng ứng dụng của học sinh, khuyến khích học sinh tạo ra những sản phẩm sau khi học chứ không chỉ đơn thuần là dạy kiến thức lý thuyết như hiện hành.

Giải pháp cho học sinh học lập trình chuyên sâu

Chung định hướng và cách tiếp cận tương tự như những chia sẻ của thầy Hồ Sĩ Đàm, trường học lập trình trực tuyến XiSo do Hệ thống Giáo dục HOCMAI và Đại học trực tuyến FUNiX sáng lập là một trong những cách giúp học sinh phổ thông tiếp cận với Tin học.

XiSo là chương trình học lập trình trực tuyến dành cho mọi học sinh phổ thông trên toàn quốc (nằm trong độ tuổi từ lớp 6 đến lớp 12). Chương trình học phân thành 6 cấp độ từ dễ đến khó (đai trắng, đai vàng, đai xanh lá cây, đai xanh da trời, đai đỏ, đai đen) với từng chuẩn đầu ra công việc cụ thể. XiSo chú trọng vào việc học thực hành, tự làm dự án thực tiễn và đảm bảo sau khi hoàn thành chương trình học, học viên sẽ có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc với vai trò là một lập trình viên chuyên nghiệp cấp độ Fresher. Học viên XiSo có thể đi làm ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông tại các công ty công nghệ với mức lương khởi điểm tương đương với sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường.

XiSo có nhiều điểm khác biệt với Hệ thống học liệu quốc tế, liên tục cập nhật; đội ngũ Mentor (người hướng dẫn) là những chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu trong nước luôn sẵn sàng hỗ trợ học viên thông qua tổng đài Mentoring, kết nối 1:1; đội ngũ Hannah luôn đồng hành, theo dõi và giúp đỡ học viên hoàn thành mục tiêu học tập; lớp học ảo Xclass quy mô tối đa 15 người, có Mentor hướng dẫn học viên làm các bài tập thực hành Assignment, trao đổi, giải đáp khúc mắc trong quá trình học tập.

XiSo là chương trình học lập trình trực tuyến dành cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12.

Với XiSo, HOCMAI và FUNiX kỳ vọng sẽ giúp thế hệ trẻ Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với lập trình, công nghệ thông tin từ sớm, để có thể biết, hiểu, làm chủ công nghệ, tự tin sống và làm việc trong thời đại 4.0.

"XiSo giống như một giải pháp song hành với chương trình giáo dục phổ thông mới, giúp những bạn học sinh có nhu cầu học lập trình chuyên sâu, mong muốn phát triển nghề nghiệp theo hướng lập trình, công nghệ được trang bị kiến thức, phát triển kỹ năng đầy đủ và bài bản, song hành cùng nhà trường", ông Phạm Giang Linh - Tổng giám đốc Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ.

Nguồn: VnExpress



loadding
UP