ĐH Sư phạm Hà Nội mở rộng phương thức xét tuyển thẳng

10:19 20/04/2021

Năm 2021, ĐH Sư phạm Hà Nội mở rộng phương thức xét tuyển thứ 2 với thí sinh đạt học lực giỏi, hạnh kiểm tốt và học sinh trường chuyên.

Trong chương trình Tư vấn tuyển sinh 2021 do Hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp cùng các trường đại học tổ chức, Tiến sĩ Đinh Minh Hằng - Phụ trách Phòng Hành chính đối ngoại, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết phương thức tuyển sinh 2021 không có nhiều thay đổi so với năm trước.

Năm 2021, nhà trường vẫn sẽ giữ 3 phương thức tuyển sinh bao gồm:

Xét tuyển theo điểm thi THPT: Nhà trường sẽ tổ chức thi môn năng khiếu đối những ngành như: Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật và Giáo dục thể chất. Riêng đối với những ngành có sự kết hợp giữa điểm thi THPT với các môn năng khiếu như Giáo dục mầm non; Giáo dục mầm non Sư phạm tiếng Anh, các thí sinh sẽ thi thêm môn năng khiếu tại trường, trong đó có thi hát, kể chuyện và đọc diễn cảm.

Phương thức 2 (XTT2): Trường xét tuyển đối với các thí sinh đạt học sinh giỏi 3 năm, hạnh kiểm tốt 6 kỳ ở bậc THPT đối với các thí sinh khối ngành Sư phạm, kèm theo một trong bốn điều kiện như sau: là thành viên của đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia của tỉnh hoặc thành phố; đạt giải học sinh giỏi thành phố từ giải Ba trở lên; là học sinh trường chuyên; là học sinh có điểm chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế hoặc Tin học quốc tế đạt chuẩn do trường ĐH Sư phạm Hà Nội đặt ra đối với tùy từng ngành.

Theo Tiến sĩ Đinh Minh Hằng, phương thức XTT2 năm 2021 đã được mở rộng so với năm trước.

Xét học bạ THPT: Các em không thuộc diện học sinh trường THPT Chuyên, không có giải học sinh giỏi và cũng chưa có các điều kiện về chứng chỉ tiếng Anh, Tin học quốc tế vẫn có cơ hội được xét học bạ vào một số ngành trong trường ĐH Sư phạm Hà Nội nếu có những điều kiện về học lực và hạnh kiểm là 3 năm đạt học lực giỏi bậc THPT và 6 kỳ hạnh kiểm tốt.

Các ngành đào tạo và hệ đào tạo nổi bật

Hiện, ĐH Sư phạm Hà Nội có 40 mã ngành đào tạo. Trong đó, nhà trường không chỉ nổi bật với những mã ngành sư phạm truyền thống như Sư phạm Ngữ văn, Toán - Tin, Vật lý, Hóa học,...mà còn có những ngành đáng chú ý như: Tâm lý học, Tâm lý học giáo dục, Công tác xã hội, Quản lý giáo dục.

Bên cạnh đó, từ năm 2020, nhà trường mở thêm hai ngành mới là Hỗ trợ Giáo dục người khuyết tật thuộc khoa Giáo dục đặc biệt và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành thuộc khoa Việt Nam học. Về hệ đào tạo, ngoài hệ sư phạm, trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn có hệ sư phạm chất lượng cao, hệ đào tạo dạy bộ môn bằng tiếng Anh.

Với những ngành ngoài sư phạm, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Trưởng khoa Tâm lý giáo dục trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, những năm vừa đã nhận được tín hiệu rất tốt. Nhiều sinh viên lựa chọn vào các ngành ngoài sư phạm.

"Theo khảo sát đầu ra của nhà trường, tỷ lệ sinh viên vào khoa Tâm lý học và Tâm lý học giáo dục có việc làm sau khoảng một năm là trên 85%. Như vậy, có thể khẳng định những ngành ngoài sư phạm cũng đóng góp một phần rất lớn vào sự phát triển của nhà trường và tạo thêm cơ hội cho sinh viên", ông Sơn chia sẻ.

Với những ngành chất lượng cao, Tiến sĩ Đinh Minh Hằng có một số lưu ý với các bạn học sinh như sau: Ngành Sư phạm thông thường và ngành Sư phạm dạy bộ môn bằng tiếng Anh là hai ngành khác nhau. Do đó, khi đăng ký, các bạn học sinh đăng ký thành mã hai ngành.

Thứ hai, nếu thí sinh muốn thi vào ngành Sư phạm chất lượng cao, giả sử là ngành Sư phạm Toán chất lượng cao, trước hết thí sinh cần phải đăng ký vào ngành Sư phạm Toán - Tin. Sau khi đã đỗ vào Sư phạm Toán – Tin, các bạn sẽ có những điều kiện sàng lọc cơ bản. Những thí sinh thỏa mãn điều kiện đó sẽ tiếp tục thi một kỳ thi nữa của trường để chọn ra khoảng 15-20 bạn vào lớp chất lượng cao.

Đại diện Đại học Sư phạm Hà Nội tham gia chương trình Tư vấn tuyển sinh 2021. Ảnh: HOCMAI.

Hiện nay, chương trình đào tạo của hệ chất lượng cao tại Đại học Sư phạm Hà Nội đã được đưa thêm 20% tiếng Anh. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội rộng mở. Bên cạnh việc đi giảng dạy trong nước, các bạn có thể giảng dạy tại môi trường quốc tế, làm nghiên cứu hoặc xin các học bổng đi du học.

Chính sách hỗ trợ sinh viên và điều kiện học tập tại trường

Mùa tuyển sinh năm 2021, tất cả sinh viên của các ngành Sư phạm vẫn sẽ tiếp tục được miễn học phí.

Với ngành ngoài sư phạm, học phí của một tín chỉ ở khối ngành Khoa học tự nhiên là 360.000 đồng một tín chỉ, lớp Khoa học xã hội là 300.000 đồng.

Tiến sĩ Đinh Minh Hằng cho biết, hiện nay, ký túc xá của trường ĐH Sư phạm Hà Nội đáp ứng đến gần 3000 chỗ ở. Bên cạnh đó, nhà trường có rất nhiều dịch vụ hỗ trợ sinh viên để các bạn được học tập và sinh sống tốt nhất trong và ngoài khuôn viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo bà, nhà trường cung cấp rất nhiều học bổng dành cho sinh viên, bao gồm những học bổng khuyến khích và hỗ trợ học tập theo điểm học tập của sinh trong từng kỳ. "Ngoài ra, Đại học Sư phạm Hà Nội còn có học bổng dành cho rất nhiều đối tượng sinh viên khác, ví dụ như sinh viên có thành tích xuất sắc, đạt thủ khoa của khối, đạt đầu vào chất lượng cao hoặc có hoàn cảnh khó khăn... để các em có thể đảm bảo điều kiện học tập tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội", cô Hằng nói thêm.

Ngoài ra, Đại học Sư phạm Hà Nội còn có chính sách miễn giảm học phí. Hàng năm, khi sinh viên bắt đầu nhập học, những bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nếu có giấy xác nhận hộ nghèo, cận nghèo sẽ được nhà trường lưu vào danh sách. Cùng với học bổng mà Nhà nước cấp cho sinh viên đạt thành tích cao, nhà trường còn có những chính ssch khuyến khích và hỗ trợ sinh viên.

Ngoài việc được miễn học phí, sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội còn có ưu tiên nhất định như hỗ trợ tiền sinh hoạt phí là 3,63 triệu đồng một tháng. Khóa K71 của ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ là khóa đầu tiên được áp dụng chính sách này.

Theo VnExpress

loadding
UP