Chuyên gia công nghệ chia sẻ về công việc lập trình viên

02:11 29/04/2020

Anh Nguyễn Ngọc Đỉnh cho biết người trẻ cần trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Chuyên gia công nghệ thông tin, quản lý phần mềm tại FPT Telecom - Nguyễn Ngọc Đỉnh chia sẻ nhiều bạn trẻ có ý định theo đuổi con đường trở thành lập trình viên. Tuy nhiên, bắt đầu từ đâu, học những cái gì, các tố chất cần có của một lập trình viên tương lai là gì... luôn là những băn khoăn cần được giải đáp.

Dưới đây là một số lời khuyên của chuyên gia Nguyễn Ngọc Đỉnh nhằm giúp nhiều bạn trẻ, đặc biệt là học sinh sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 có cái nhìn rõ hơn về ngành công nghệ thông tin nói chung và nghề lập trình viên nói riêng. Từ đó, các sinh viên tương lai có thể đưa ra những quyết định đúng đắn nhất trong việc lựa chọn ngành nghề.

Chuyên gia công nghệ thông tin Nguyễn Ngọc Đỉnh (FPT Telecom) chia sẻ về nghề công nghệ thông tin.

Tìm hiểu về công việc lập trình viên

Lập trình viên là tên gọi chung cho những người làm về lập trình. Nhưng lập trình là một lĩnh vực rất rộng, có nhiều loại hình, do đó công việc của lập trình viên cũng rất đa dạng. Ví dụ bạn có thể làm lập trình viên website, lập trình viên phần mềm máy tính hoặc ứng dụng di động. Mỗi loại hình lập trình sẽ có các công việc cụ thể khác nhau.

Một ngày làm việc của một lập trình viên sẽ diễn ra như sau:

Buổi sáng thường sẽ có cuộc họp nhanh với các thành viên trong nhóm để thảo luận về những gì đã làm được của ngày hôm trước, những khó khăn đang gặp phải và đưa ra kế hoạch làm việc tiếp theo.

Sau đó, các bạn trẻ sẽ đi vào công việc cụ thể của một lập trình viên (lập trình viên website, lập trình viên ứng dụng di động...) và dù ở vai trò nào thì công việc cũng có phần giống nhau. Bạn dành khoảng 30% thời gian trong ngày để trao đổi với nhóm phân tích yêu cầu và làm việc nhóm cùng đồng đội, 60% thời gian để lập trình, tức là chuyển các yêu cầu của khách hàng thành các tính năng của phần mềm. Khoảng thời gian còn lại để khắc phục các sự cố lỗi do lập trình sai gây ra.

Cuối ngày, lập trình viên sẽ cập nhật các công việc đã làm và tiến độ lên trang quản lý dự án để báo cáo cho cấp cao hơn và cũng để đánh giá hiệu suất làm việc.

Lập trình viên có nhiều cấp độ thành thạo. Cấp độ càng cao thì sẽ dành nhiều thời gian hơn cho các cuộc họp, suy nghĩ giải pháp và làm việc với đồng đội hơn là việc lập trình.

Đam mê - yếu tố nền tảng để tiến xa trong công việc

Đam mê không phải là điều bắt buộc nhưng là nền tảng rất quan trọng để giúp lập trình viên tiến xa trên con đường này. Vì chỉ có đam mê, người trẻ mới có thể dành cả ngày ngồi lập trình và dành hàng giờ để cập nhật các kiến thức mới.

Lập trình là một công việc không đơn giản. Hầu hết thời gian, lập trình viên sẽ phải ngồi bên chiếc máy tính. Các bạn có thể ngồi hàng tiếng, thậm chí vài ngày để suy nghĩ, giải quyết một vấn đề nào đó và sau đó phải đập bỏ khi có một giải pháp khác hiệu quả hơn.

Anh Đỉnh cho rằng dù không phải là yếu tố bắt buộc nhưng đam mê chính là nền tảng để học sinh có thể đi được đường dài trong ngành công nghệ thông tin.

Điều này khó chấp nhận nhưng nếu làm lập trình, các bạn trẻ sẽ gặp phải và nó cũng thay đổi rất nhanh. Công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ và mọi người phải cập nhật kiến thức liên tục để không bị lạc hậu và không bị bỏ lại phía sau.

Nhưng phải xác định đúng đam mê của mình, nhiều bạn thích chơi game và các bạn nghĩ rằng mình có niềm đam mê với lập trình. Do đó, các bạn cần hiểu rõ bản thân muốn làm gì một cách nghiêm túc, đi kèm với đó là xác định được năng lực hiện tại của bản thân.

Kiến thức, kỹ năng là yếu tố quyết định

Để duy trì được đam mê trong thời gian dài, các lập trình viên cần phải trang bị những kiến thức và kỹ năng phù hợp.

Về kiến thức: bạn trẻ cần trang bị kiến thức nền tảng chung và kiến thức chuyên sâu về một công việc cụ thể (ví dụ lập trình web, lập trình ứng dụng Java, lập trình ứng dụng Android...). Kiến thức cần phải bổ sung khi bạn chuyển sang cấp độ cao hơn.

Về kỹ năng: Trong quá trình đang ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên nên dành thời gian trang bị thêm những kỹ năng mềm: giao tiếp, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, ngoại ngữ... Trong đó, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề cần phải rèn luyện thường xuyên.

Ngành công nghệ đang dần len lỏi vào từng ngóc ngách của mọi ngành nghề và đời sống xã hội. Chưa có lúc nào việc học công nghệ thông tin lại dễ dàng như lúc này khi mọi điều kiện cho việc học đều có sẵn: máy tính rất phổ biến, tài liệu học có sẵn trên Internet, thầy giáo có ở khắp mọi nơi... Học sinh có thể học trực tuyến qua mạng mà không cần phải rời khỏi nhà.

Tại trường học lập trình trực tuyến XiSo, học viên được hỗ trợ chuyên môn bởi các chuyên gia công nghệ thông tin trong suốt quá trình học. Với phương châm "Học không bằng hỏi", các bạn trẻ có thể đưa ra thắc mắc và được giải đáp mọi lúc, mọi nơi.

XiSo là ngôi trường trực tuyến, ngôi nhà chung của học sinh đam mê công nghệ. Trường đào tạo học sinh phổ thông từ lớp 6 - 12, đảm bảo sau khi hoàn thành chương trình, các em có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để làm việc trong môi trường thế giới số tại các công ty công nghệ ngay sau khi tốt nghiệp cấp ba. Trong suốt quá trình học, đội ngũ mentor (người hướng dẫn) và Hannah (trợ giảng) luôn theo sát tiến độ học của học sinh, nắm bắt tâm lý để động viên những lúc các em nản chí, sẵn sàng giải đáp những thắc mắc trong suốt quá trình học của học viên.

Nguồn VnExpress

loadding
UP