Nhận định và gợi ý đáp án đề thi tuyển sinh lớp 10 công lập của TPHCM

09:27 16/07/2020

Dưới đây là Nhận định và Gợi ý đáp án về Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập năm học 2020 - 2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM do các giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI thực hiện.

MÔN NGỮ VĂN

I. Nhận định

Tiếp nối quan điểm cách tân về nội dung các đề thi từ năm học 2018-2019, với chủ đề “Lắng nghe”, đề thi vào 10 của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020 bám rất sát với những biến động của tình hình thế giới và Việt Nam trong thời gian qua – đại dịch Covid-19. Nội dung các câu hỏi tạo điều kiện để thí sinh có thể tự do trình bày được quan điểm của cá nhân xoay quanh mạch chủ đề tư tưởng của đề thi nhưng vẫn có thể đánh giá, phân loại được trình độ, năng lực của các  thí sinh, bám sát yêu cầu của Công văn tinh giản, giảm tải mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố ngày 31/3/2020.

Hình thức thể hiện đề thi, cấu trúc và barem điểm vẫn giữ nguyên với 3 câu hỏi được phân bổ điểm theo tỉ lệ 3/3/4. Trong đó, câu hỏi thứ 3 (4,0 điểm) luôn có 2 lựa chọn cho thí sinh. Cụ thể nhận định về từng câu như sau:

Câu I (3,0 điểm): Đây là câu hỏi thuộc dạng bài đọc - hiểu văn bản. Ngữ liệu của bài là văn bản nằm ngoài chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 9 (Thông tin tổng hợp từ báo Thanh niên và Tuổi trẻ) và xoay quanh chủ đề về “Dịch bệnh COVID-19”, về những thách thức và cơ hội mà dịch bệnh này đem lại. Đây là một ngữ liệu mang tính thời sự, cung cấp góc nhìn mới mẻ, thú vị, gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ. Đi theo ngữ liệu bao gồm 4 câu hỏi nhỏ nhằm kiểm tra về mặt nội dung của văn bản và kiến thức tiếng Việt. Đồng thời câu hỏi cuối cùng là cơ hội để học sinh đưa ra quan điểm của bản thân, xoay quanh chủ đề “Lắng nghe”.

Câu II (3 điểm): Là câu hỏi yêu cầu thí sinh viết bài văn nghị luận xã hội để trả lời vấn đề xoay quanh câu hỏi “Phải chăng lắng nghe là một biểu hiện của yêu thương?”. Để hoàn thành được câu hỏi này, học sinh phải đưa ra và bảo vệ được quan điểm của bản thân bằng những lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục. So với đề thi năm 2019, cách đặt vấn đề của câu nghị luận xã hội năm nay có sự thay đổi, không sử dụng kênh hình để nêu tình huống mà đưa ra vấn đề một cách trực tiếp. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của câu hỏi vẫn giữ tính mở để học sinh tự do bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của bản thân.

Câu III (4,0 điểm): Là câu nghị luận văn học, thí sinh lựa chọn một trong hai đề hoàn thành yêu cầu của đề bài dựa trên ngữ liệu chung cho cả hai đề. Ngữ liệu đưa ra ba thông điệp gắn với ba tác phẩm văn học (Ánh trăng, Bếp lửa, Mùa xuân nho nhỏ) có mối liên hệ chặt chẽ: mỗi người – gia đình – xã hội. Đây là ba thông điệp trọng tâm của từng tác phẩm, đồng thời cũng là những vấn đề có tính thực tiễn, gần gũi với bản thân của mỗi con người.

  • Đề 1:  Là câu hỏi thuộc dạng nghị luận văn học tương đối cơ bản. Học sinh chọn một trong ba thông điệp và viết bài văn trình bày cảm nhận của mình về thông điệp đó. Đề 1 có một ý hỏi nâng cao yêu cầu học sinh liên hệ với một tác phẩm khác để làm nổi bật thông điệp mà mình lựa chọn.
  • Đề 2:  Là đề nghị luận văn học ở mức độ khó hơn, đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức về lí luận văn học cũng như phải huy động được những trải nghiệm của mình trong quá trình đọc và học tác phẩm văn học để làm rõ được chức năng nhận thức, thẩm mĩ, giáo dục và vai trò của văn học đối với mỗi con người. Học sinh sẽ viết bài văn với nhan đề : “Lắng nghe tác phẩm – Hiểu về cuộc sống”.

Nhìn chung: Đề thi được đánh giá tương đối nhẹ nhàng, ngữ liệu hay, có tính thời sự và gắn với thực tế đặc biệt là hướng tới cách ứng xử đẹp, tích cực của con người trong xã hội, đặc biệt là trong thời điểm thế giới vẫn đang phải chiến đấu với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đề thi vẫn có “đất diễn” dành riêng cho những học sinh giỏi môn Văn.

Cô Văn Trịnh Quỳnh An, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Gia Định (TP. HCM) cho biết đây là một đề thi rất hay, nhẹ nhàng và sâu sắc nhưng vẫn đảm bảo được sự phân hóa: Có một chủ đề xuyên suốt toàn bộ đề thi: “Lắng nghe”: Mới mẻ, sáng tạo và thú vị , phù hợp với bối cảnh dạy và học hiện đại. Cho thấy sự thống nhất về tư duy. Lắng nghe – thay đổi, lắng nghe – yêu thương, lắng nghe – hiểu biết.

Đoạn văn đọc hiểu: Cấu trúc: Câu a, b là nhận biết, câu c là thông hiểu, câu d là vận dụng thấp.

Cấu trúc nghị luận xã hội có thay đổi, không đặt ra sự lựa chọn, nhưng vẫn mang tính gợi mở cao “Phải chăng lắng nghe là một biểu hiện của yêu thương”. Câu hỏi đơn giản nhưng sâu sắc, vừa phù hợp với lứa tuổi, vừa có độ phân hóa. Hiếm có đề thi văn nào bao quát cả hai tiêu chí trên như đề thi tuyển sinh lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM.

Với bối cảnh dịch Covid-19, học sinh phải nghỉ học gần 3 tháng, giải pháp cho học sinh được chọn mảng nghị luận văn học là hợp lí. Từ việc “lắng nghe thông điệp trong tác phẩm”, các đoạn thơ được chọn là những thông điệp khác nhau và có tính khái quát cao: Từ cá nhân, gia đình đến xã hội. Điều này đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng phân tích, nhận định đề tốt.




II. Gợi ý đáp án TẠI ĐÂY


MÔN TIẾNG ANH 

I. Nhận định

Thầy Nguyễn Trung Nguyên – giáo viên môn Tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: “Đề thi vào 10 tại TP Hồ Chí Minh năm nay được đánh giá khá hợp lý, bởi vì đề thi có mức độ tương đối dễ phù hợp với chương trình tinh giản của Bộ do dịch Covid-19. Đề thi không có nhiều yếu tố đánh đố học sinh, và có tính bám sát thực tiễn thông qua các câu hỏi về giao tiếp và biển báo. Tổng quát đề thi phân bổ theo 70% ngữ pháp và 30% ngữ pháp. Ngữ pháp và từ vựng đều nằm trong kiến thức chương trình THCS (lớp 9).“.

 Phần trắc nghiệm có 24 câu được chia thành 5 nôi dung: hoàn thành câu, giao tiếp, chọn dạng đúng của từ, đọc hiểu và điền từ vào đoạn văn. Phần trắc nghiệm kiểm tra ngữ pháp và từ vựng khá dễ vì các kiến thức đều được giảng dạy trong chương trình THCS, các kiến thức mở rộng không quá khó.

Tuy nhiên với những câu về giao tiếp thì học sinh cần phải chú ý cẩn thận để tránh mất điểm đánh tiếc.

Phần chọn dạng đúng của từ được đánh giá là khá đơn giản, các em chỉ cần ghi nhớ các nguyên tắc, vị trí đứng và một số cách chuyển đổi danh từ là các em có thể hoàn thành tốt. Phần này gần như không có đánh đố, chỉ có chút nhầm lẫn nếu các em không phân biệt được danh từ chỉ người và chỉ vật trong câu “the nomination” hoặc “the nominator”

Phần đọc hiểu có chủ đề rất hay và ý nghĩa (ngày của mẹ), được chia thành 2 bài, trong đó bài chọn True và False khó hơn vì có 2 câu đầu gây nhầm lẫn (male và the 19th century), nếu bạn nào không tinh ý sẽ dễ dàng bị sai..

Phần chọn từ điền vào chỗ trống không quá khó vì các câu ngữ pháp đều là kiến thức cũ, còn các câu từ vựng cũng đều là từ không quá mới.

Phần viết lại câu (tự luận) khó hơn vì có nhiều câu gây nhầm lẫn và cấu trúc khó. Phần này gồm 2 phần đó là sắp xếp các từ và viết lại câu. Phần sắp xếp từ khá khó, các em cần hiểu nghĩa các từ sau đó sắp xếp theo đúng nghĩa, vì thế nếu không hiểu nghĩa, chắc chắn các em sẽ không làm được.

Phần viết lại câu khá đơn giản, nhưng có một câu gây nhầm lẫn cho các em nếu các em không nắm chắc kiến thức.

Ví dụ, với câu “Thu is the best tennis player in the club” thì nhiều bạn băn khoăn giữa hai đáp án: No one can play tennis better than Thu và No one can play tennis as well as Thu. Với câu này, chúng ta thấy câu gốc là so sánh hơn nhất tức là có từ 3 người trở lên, mà so sánh “as well as” (ngang bằng) lại dùng trong trường hợp chỉ có 2 người. Vì thế chúng ta dùng “better than” (so sánh hơn dùng cho trường hợp từ 2 người trở lên).

Đối với các câu còn lại, học sinh chỉ cần nhớ cấu trúc và trước đó đã ôn tập kỹ thì các câu còn lại không thành vấn đề quá lớn.

Tóm lại, với mức độ yêu cầu của Đề thi tiếng Anh vào lớp 10 THPT năm nay của TP HCM là rất cơ bản, vừa sức học sinh. Chỉ cần các em chăm chỉ học tập và vận dụng kiến thức đã học là có thể đạt được từ 6-8 điểm trở lên, với những học sinh khá-giỏi có thể đạt điểm 8.5 trở lên.

Cô Nguyễn Thị Mai Hương, giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng cho biết: Cấu trúc đề thi năm nay không thay đổi so với năm ngoái, vẫn bao gồm 36 câu, trong đó có 24 câu trắc nghiệm và 12 câu tự luận. Phạm vi kiến thức khá rộng, kiểm tra kiến thức từ vựng của thí sinh. Chủ đề khá quen thuộc và bám sát chủ đề trong SGK, 2 bài đọc: về ngày của mẹ (Mother's Day) và Teachers' roles (vai trò của giáo viên trong trường học thay đổi như thế nào) là các chủ đề quen thuộc. Nhìn chung đề thi vừa sức, không câu nào đánh đố học sinh. Phổ điểm sẽ rơi nhiều vào khoảng 6-8 điểm.



II. Gợi ý đáp án TẠI ĐÂY

MÔN TOÁN

I. Nhận định

Thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhận định: Đề thi có cấu trúc tương tự như năm 2019 với 8 bài, trong các bài có nhiều ý sắp xếp từ dễ tới khó. Nội dung đề thi không ra các nội dung đã được tinh giản của Bộ GD-ĐT.Bài 1, 2: Bài toán cơ bản về đồ thị và phương trình bậc 2, dạng bài cơ bản học sinh dễ lấy điểm.Bài 3: Bài toán thực tế liên quan tới phép chia và cần sử dụng các khái niệm số học từ lớp 6. Đề có thể làm khó học sinh ở khâu đọc đề vì đây là một bài toán cổ, đặc biệt phần kiến thức Số học ít khi xuất hiện trong đề thi công lập vào 10. Tuy nhiên, nội dung này không khó, khá hiển nhiên học sinh có thể tự nhận thấy tính chất để làm bài.Bài 4, 5, 7 đều là các bài ở mức độ cơ bản giải toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình chỉ cần hiểu đề bài, đặt ẩn phù hợp là sẽ giải được.Bài 6 về hình học không gian, sử dụng các công thức thể tích cơ bản. Tuy nhiên, đề bài có thêm khái niệm hao hụt trong quá trình lao động nên phát sinh thêm phép tính. Nội dung này không đánh đố, học sinh cần đọc kĩ và phân tích đề để sử dụng phép tính phù hợp.Bài 8 về hình học phẳng với mô hình quen thuộc. 2 ý đầu đơn giản và không quá khó, học sinh hoàn toàn có thể hoàn thành tốt. Ý cuối của bàn phức tạp, mang tính phân loại học sinh nhưng cũng không đánh đố.Nhìn chung, phổ điểm sẽ rơi vào khoảng 7 tới 7,5 điểm. Đề khá dài nhưng dễ làm, có tính ứng dụng thực tế cao, phù hợp với xu hướng học Toán chung trên thế giới.Thầy Hồng Trí Quang, giáo viên Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cũng chia sẻ: Đề thi có sự phân hóa ở bài 3 (học sinh có thể gặp khó trong việc đọc hiểu đề bài), Bài 6 (ứng dụng thực tế của hình không gian), Bài 7 c (hình học).Điểm thi năm ngoái của TP. HCM rất thấp, một phần là do học sinh bỡ ngỡ với dạng bài thi mới. Năm nay cấu trúc đề thi đã ổn định, học sinh đã được ôn tập với cấu trúc đề thi này. Thêm nữa, xét về mặt bằng chung thì đề thi năm nay không khó như đề thi năm ngoái. Phổ điểm tập trung khoảng 7 điểm. 
 
 

II. Gợi ý đáp án: TẠI ĐÂY



 

loadding
UP